Multimedia Đọc Báo in

Hòa Sơn nỗ lực giải quyết tình trạng xả rác bừa bãi

09:07, 08/11/2016

Trước đây, xã Hòa Sơn là một “điểm nóng” của huyện Krông Bông về vấn đề rác thải sinh hoạt. Dọc các tuyến đường, dưới những lòng kênh, mương, hồ, đập trên địa bàn xã nhìn đâu cũng thấy rác thải.

Đặc biệt, trên những tuyến đường từ thôn 8 đi thôn 7, từ thôn 3 qua thôn Tân Sơn đi thôn 7, các điểm đầu cầu trên tuyến tỉnh lộ 12, góc nghĩa trang, góc sân vận động luôn có những bãi rác to với đủ loại rác thải: từ chai, lọ, quần áo rách, túi nylon đến xác gia súc, gia cầm chết… Bao bì thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật qua sử dụng bị vứt bừa bãi, phân và nước thải chăn nuôi không được xử lý để chảy ra ngoài gây ô nhiễm môi trường nông thôn...

Xe thu gom rác tại xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông).
Xe thu gom rác tại xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông).

 Trước tình trạng đó, Đảng bộ, chính quyền xã Hòa Sơn đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường như: huy động các lực lượng thu gom rác để đốt, làm biển báo “Cấm đổ rác” đặt tại những nơi thường xuyên bị đổ rác thải sinh hoạt ở 15 thôn, buôn; khuyến khích người dân tố giác hành vi đổ rác bừa bãi; phát trên hệ thống loa phóng thanh các bài viết phản ánh sự thiếu ý thức dẫn đến ô nhiễm môi trường; tuyên truyền lồng ghép trong các buổi họp, hội nghị của các hội, đoàn thể nhằm nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân…

Song song với việc đẩy mạnh tuyên truyền, đầu năm 2015, UBND xã Hòa Sơn đã giao cho một cá nhân thành lập tổ thu gom rác bằng xe công nông gồm 3 người, tự thu phí, tự chi trả công vận chuyển dưới sự quản lý của UBND xã. Cuối năm 2015, với kinh phí hỗ trợ của huyện (80 triệu đồng), UBND xã Hòa Sơn đã mua phương tiện chuyên thu gom rác, ra quyết định thành lập Tổ thu gom rác của xã hoạt động bằng việc thu phí theo Quyết định số 117/2014/NQ – HĐND tỉnh về mức thu các loại phí và lệ phí trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mỗi hộ đăng ký thu gom rác thải đóng 10.000 đồng/hộ/tháng, những hộ ở nơi xe thu gom không đến được thì đóng 7.000 đồng/hộ. Các dịch vụ kinh doanh như nhà hàng, quán ăn thì thu cao hơn và giao cho Ban tự quản thôn, buôn thu và hưởng mức phần trăm theo quy định.

Tính đến tháng 10-2016, toàn xã đã có hơn 1.227 hộ (chiếm 50% số hộ) đã đăng ký thu gom rác thải. Hiện tượng rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi giảm hẳn, đa số rác được tập kết và vận chuyển về bãi rác tập trung của xã với số lượng từ 6-7 tấn rác thải/tuần.

Ban đầu, toàn xã chỉ có khoảng hơn 700 hộ đăng ký tham gia đóng phí và đổ rác đúng nơi quy định, chưa được 1/3 tổng số hộ dân. UBND xã Hòa Sơn chỉ đạo ban tự quản, các đoàn thể ở thôn, buôn tăng cường vận động bà con đăng ký thu gom rác; đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc chấp hành các quy định về thu gom, xử lý rác thải, chấn chỉnh việc để chất thải chăn nuôi gia súc ra ngoài gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, bằng nguồn ngân sách sự nghiệp môi trường của xã, từ tháng 10-2016, UBND xã Hòa Sơn đã lắp đặt 15 bể chứa rác thải nguy hại đồng ruộng tại 15 cánh đồng ở thôn, buôn nhằm thu gom chai lọ, vỏ thuốc bảo vệ thực vật, tránh tình trạng vứt các chất thải độc hại gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Những biện pháp đồng bộ, quyết liệt của xã Hòa Sơn bước đầu đã mang lại kết quả tích cực. Trong thời gian tới, xã Hòa Sơn tiếp tục đẩy mạnh hơn các biện pháp giữ gìn vệ sinh môi trường như: vận động các cơ sở chăn nuôi xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo quy định, quản lý hoạt động của các dịch vụ có thể xả thải gây ô nhiễm môi trường như lò sấy, dịch vụ nhà hàng lưu động, các khu vực giết mổ gia súc, gia cầm…, phấn đấu đạt tiêu chí nông thôn mới về môi trường.

Mộng Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.