Xử lý rác thải vùng nông thôn: Khó chồng khó!
Ô nhiễm môi trường từ rác thải ở vùng nông thôn là vấn đề khiến cả cộng đồng bức xúc. Bên cạnh do người dân thiếu ý thức thì việc chôn lấp, xử lý rác thải không được kiểm soát đúng quy trình và vị trí xây dựng bãi rác ở địa điểm không phù hợp cũng là bài toán nan giải hiện nay.
Đến nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh, chúng ta không khó để bắt gặp những bãi rác tự phát cạnh các con đường, thậm chí cả những bao rác dưới bờ sông, dòng suối, hay các chân cầu. Bên cạnh đó, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã thành lập các tổ, hợp tác xã thu gom rác thải góp phần giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, lại nảy sinh tình trạng ô nhiễm môi trường từ chính các bãi tập kết rác này khiến cuộc sống của người dân sinh sống xung quanh khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau khi thu gom rác từ các hộ dân, hầu hết các đơn vị thu gom đều tìm bãi đất trống để chôn lấp hoặc đốt, rất ít địa phương có bãi xử lý rác thải tập trung. Nếu có cũng chỉ là tạm thời, chưa được quy hoạch, thiếu đầu tư xây dựng hệ thống xử lý rác thải.
Đơn cử như tại bãi rác ở tổ dân phố 17, thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc) chỉ nằm cách khu dân cư khoảng 500 mét, diện tích bãi rác nhỏ nhưng khối lượng rác thải hằng ngày quá lớn dẫn đến việc quá tải, điều này đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Hay như ở bãi rác tạm thôn 1, xã Ea H’đing (huyện Cư M’gar) là một khu đất trống nhưng lại trở thành điểm xử lý rác thải tập trung của người dân xã Ea H’đing và Ea Tar, gây ô nhiễm mỗi trường xung quanh.
Ô nhiễm môi trường từ bãi rác ở thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc). |
Theo ông Y KaNin M’lô, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, các bãi chôn lấp chất thải trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa bảo đảm các quy định về môi trường, phương án xử lý chủ yếu vẫn là bằng cách phun thuốc diệt ruồi, chất khử mùi và đốt, chôn lấp tại chỗ định kỳ 3 tháng đến 6 tháng/lần. Hiện nay, trở ngại lớn nhất đối với các địa phương là việc thiếu kinh phí để xây dựng bãi rác hợp quy chuẩn. Trên thực tế, hầu hết các huyện đã có quy hoạch bãi xử lý chất thải, tuy nhiên do không có kinh phí thực hiện nên đến nay đều chỉ nằm trên giấy. Mặc khác, việc xã hội hóa xử lý rác thải hiện chỉ mới dừng ở việc thu gom và vận chuyển, còn xử lý thì vẫn theo phương pháp thủ công truyền thống là chôn lấp và đốt.
Thiết nghĩ, trong khi chờ các cơ quan chức năng có giải pháp xử lý nguồn rác thải sinh hoạt ở vùng nông thôn thì trước hết người dân phải tự nâng cao ý thức, tự giác và chấp hành tốt các quy định về xử lý rác thải như: đổ rác đúng nơi quy định, hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilon; các đơn vị thu gom, vận chuyển phải chôn lấp hoặc đốt bảo đảm kỹ thuật; các cấp chính quyền cần đầu tư kinh phí, kêu gọi sự hỗ trợ để xây dựng các bãi rác đạt tiêu chuẩn…
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc