Xã hội hóa trồng cây xanh - nhìn từ xã Hòa Thuận
Thực hiện chủ trương trồng cây xanh hai bên đường, đến nay, nhiều tuyến đường liên thôn, nội thôn ở xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) đã và đang dần mang một diện mạo mới, xanh - sạch - đẹp hơn nhờ sự đồng thuận, chung tay góp sức của người dân địa phương.
Gần 2 năm nay, phong trào xã hội hóa trồng cây xanh, cụ thể là cây cau trứng hai bên các tuyến đường liên thôn, nội thôn ở xã Hòa Thuận đã được người dân địa phương triển khai và thực hiện có hiệu quả, tạo dựng cảnh quan môi trường thoáng đãng, sạch đẹp. Những tuyến đường: 10A ở thôn 2 và 6, 16A ở thôn 3, 6KC ở thôn 1, 12 A ở thôn 7... đang ngày càng đẹp mắt bởi những thảm cỏ, hàng cây cau được người dân ở hai bên đường mua cây giống về trồng.
Cây cau và cỏ lạc được trồng dọc tuyến đường thôn 7 (xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột). |
Đơn cử như ở địa bàn thôn 1, tháng 5-2017, sau khi UBND xã Hòa Thuận phát động phong trào trồng cây cau trên các tuyến đường, Ban tự quản thôn đã họp dân thống nhất chọn đường 6KC (dài 1.300 m) để làm mô hình điểm, có 20 hộ dân tham gia trồng với số lượng khoảng 500 cây. Sau mô hình điểm này, các hộ dân ở các tuyến đường khác trong thôn cũng hưởng ứng làm theo. Đến nay, khá nhiều hộ dân sinh sống ở mặt tiền các tuyến đường đã chủ động mua cau giống và cỏ lạc về trồng bên đường phía trước mặt nhà mình với tổng số cây đã trồng trên 1.500 cây và diện tích thảm cỏ gần 800 m2. Theo nhiều người dân, trồng cây cau trứng hai bên đường nội thôn là cách làm hay vừa tạo môi trường xanh, sạch vừa tạo bóng mát, hơn thế nữa, loại cây này trồng sau khoảng 4 năm cũng sẽ cho thu hoạch quả nên nhiều hộ gia đình sẵn sàng hưởng ứng.
Hay như ở thôn 7, với sự vào cuộc của các hộ dân, nhiều tuyến đường nội thôn hiện đã “thay da, đổi thịt” khi những cây xanh, thảm cỏ ngày càng được trồng nhiều hơn ở hai bên đường. Thôn 7 chọn đường 12A dài 600 m làm điểm để trồng cây cau, ban đầu có 18 hộ tham gia, trồng được 240 cây. Đến cuối năm 2017, người dân trong thôn đã trồng được 3.600 cây cau trên các tuyến đường nội thôn. Năm 2018, người dân tiếp tục trồng thêm hơn 2.000 cây.
Thực hiện Nghị quyết số 42/KH-UBND ngày 20-5-2017 của UBND xã Hòa Thuận về việc trồng cây xanh trên địa bàn xã giai đoạn 2017 – 2020, đến nay, người dân đã trồng hơn 8.800 cây cau và gần 3.900 m thảm cỏ trên địa bàn 8/8 thôn. |
Chia sẻ mô hình xã hội hóa công tác trồng cây cau trên các tuyến đường, ông Lê Xuân Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Thuận cho biết: “Đặc thù của địa phương là các hộ đều sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ yếu là trồng cà phê nên khi thực hiện chương trình trồng cây phân tán của UBND TP. Buôn Ma Thuột, các hộ dân không hưởng ứng bởi nếu trồng những loại cây xanh như sao đen, xà cừ, bằng lăng… thì sẽ cản trở đến việc phơi cà phê sau khi thu hoạch. Do đó, địa phương đã mạnh dạn đề xuất xin chủ trương thay thế các loại cây này bằng cây cau trứng để vừa tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp vừa có thể mang lại thu nhập cho người trồng”.
Người dân xã Hòa Thuận tham gia lễ phát động trồng cây xanh hai bên đường. |
Cũng theo ông Nam, sau khi phát động phong trào trồng cây xanh trên các tuyến đường, địa phương khuyến khích các hộ dân trồng cây phù hợp với điều kiện, tình hình đời sống của mình; đồng thời phổ biến rộng rãi kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống đài truyền thanh của xã, tổ chức lễ phát động trồng cây xanh... Đặc biệt, vận động nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện các quy định của nhà nước về quản lý, bảo vệ chăm sóc cây xanh và trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể nhận con đường tự quản. Bên cạnh đó, UBND xã cũng phối hợp với đơn vị cung cấp cây giống bán cho người dân với giá rẻ hơn khoảng 30% so với thị trường.
Có thể thấy rằng, việc xã hội hóa trồng cây xanh trên địa bàn xã Hòa Thuận là một điểm sáng, mô hình hay vừa góp phần thực hiện chương trình trồng cây phân tán của địa phương vừa tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân về việc trồng cây xanh, tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc