Multimedia Đọc Báo in

Đoạn đường không có cửa xả thoát nước, người dân sống chung với ô nhiễm môi trường

10:00, 20/03/2019
Từ cuối năm 2018 đến nay, hàng chục hộ dân ở thôn 3, xã Krông Jing (huyện M’Đrắk) phải sống chung với cảnh ô nhiễm môi trường do nguồn nước sinh hoạt thải ra rãnh thoát nước Quốc lộ 26 bị ứ đọng gây mùi hôi thối, trở thành nơi trú ẩn của mầm bệnh.
 
Quốc lộ 26 đoạn từ Km 66 đến Km 68 thuộc địa phận thôn 3, xã Krông Jing (huyện M’Đrắk) do Cục Quản lý đường bộ III quản lý và khai thác, có bề mặt đường bê tông nhựa rộng trung bình 6 m, nền đường rộng trung bình 9 m, đang được quản lý theo tiêu chuẩn đường cấp 3 miền núi với tốc độ khai thác 80 km/h. Theo đánh giá ban đầu, mặt đường đoạn tuyến chưa được gia cố, hệ thống thoát nước là rãnh đất, thường xuyên có hiện tượng đọng nước, xói lở lề đường, ảnh hưởng đến mặt đường.
 
Vì vậy, vào tháng 8-2018, công trình sửa chữa bổ sung hệ thống thoát nước dọc Quốc lộ 26 đoạn từ Km 66 đến Km 68 được Chi cục Quản lý đường bộ - Cục Quản lý đường bộ III đầu tư thực hiện nhằm gia cố lề đường và hoàn thiện hệ thống thoát nước, tăng khả năng khai thác, nâng cao an toàn giao thông. Công trình được thực hiện trong thời gian khoảng 70 ngày, từ ngày 23-8-2018 đến 1-11-2018, tổng kinh phí đầu tư trên 2,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình làm, công trình không thể thi công cửa xả dẫn đến tình trạng nước bị ứ đọng trong rãnh dọc hai bên đường, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.
 
Nước thải đọng lại rãnh thoát nước Quốc lộ 26 (qua địa phận xã Krông Jing).
Nước thải đọng lại rãnh thoát nước Quốc lộ 26 (qua địa phận xã Krông Jing).
Theo quan sát, lượng nước ứ đọng trong lòng rãnh thoát nước lề đường tuy không quá nhiều nhưng bị tích trữ lâu ngày đã đổi màu đen, có mùi hôi thối với nhiều ruồi nhặng; những ngày nắng nóng, mùi hôi càng bốc lên nồng nặc. Gia đình ông Lê Văn Thể và bà Nguyễn Thị Xuân sống tại khu vực này cho biết, trước đây khi rãnh thoát nước dọc Quốc lộ 26 là rãnh đất, nước thải từ các hộ gia đình hay mặt đường chảy xuống một thời gian ngắn sẽ thấm cạn dần rồi hết, nhưng từ khi có rãnh thoát bằng bê tông, nước không tiêu thoát được, lâu ngày ứ đọng gây ô nhiễm, mùa nắng thì bốc mùi hôi thối, mùa mưa lại tràn vào nhà và vườn của người dân. Điều này khiến bà con rất lo lắng nguy cơ mầm dịch bệnh phát sinh ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống.
 
Ông Phạm Ngọc Bá, đại diện Tổ quản lý dự án – Cục Quản lý đường bộ III, cho biết: Theo Quyết định số 350, ngày 2-2-2018 phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình sửa chữa bổ sung hệ thống thoát nước dọc Km 66 – Km 68 của Cục Quản lý đường bộ III có nêu rõ phương án xây dựng rãnh thoát nước dọc đối với các đoạn Km 66+900 – Km 67+536 (trái tuyến) và Km 66+820 – Km 67+536 (phải tuyến) có bố trí các hố thu nước từ rãnh dọc đổ về, đồng thời xây dựng hệ thống cống dẫn để dẫn nước từ hố thu nước ra cửa xả tại vị trí Km 67+235 (trái tuyến) và Km 67+194 (phải tuyến). Các vị trí này đã được đơn vị tư vấn thiết kế trong quá trình khảo sát lập hồ sơ thiết kế làm việc và thống nhất với UBND xã Krông Jing về vị trí và mặt bằng thi công (biên bản làm việc ngày 17-8-2017).
 
Ngày 25-12-2018, Cục Quản lý đường bộ III đã có công văn gửi UBND huyện M’Đrắk thông báo “Kết thúc dự án do chính quyền địa phương không giải quyết được mặt bằng thi công các cửa xả thoát nước trên Quốc lộ 26, thuộc địa phận huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk”.
 
 

Tuy nhiên, trong quá trình thi công các cửa xả này, người dân không đồng ý cho đặt các đường ống đi qua phần đất của gia đình, hoặc yêu cầu phải đền bù theo giá thị trường vì phần đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Với kích thước đường kính cống xả 800 mm, cùng với bờ bê tông thì chiều rộng hệ thống cần ít nhất 1,4 m đất, trong khi đó trong ngân sách dự án không bố trí kinh phí đền bù phần đất này. Đơn vị cũng đã làm việc với địa phương kiểm tra hiện trường vào ngày 6-11-2018 và làm việc với đại diện 4 hộ dân có đất ảnh hưởng từ việc xây dựng rãnh thoát vào ngày 24-12-2018 song vẫn chưa thể thống nhất phương án, do đó đơn vị không thể thi công hệ thống ống thoát như thiết kế ban đầu.

Theo ông Y Tăng Niê, Chủ tịch UBND xã Krông Jing, các vị trí thi công cống thoát đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân từ nhiều năm nay, địa phương cũng đã tuyên truyền, vận động song có hộ không đồng ý, hộ khác thì yêu cầu phải đền bù. Điều này cũng rất khó với địa phương vì ngân sách không có, đơn vị đầu tư cũng không bố trí kinh phí đền bù.
 
Tình trạng nước đọng do thiếu cống thoát tại thôn 3, xã Krông Jing không những gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ dịch bệnh phát sinh mà còn xảy ra tình trạng nước tồn đọng trên mặt đường, lề đường làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông nên rất cần được các cấp, các ngành sớm có phương án giải quyết.
 
Thu Nguyệt
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.