Những cánh rừng pơ mu đang bị tận diệt
11:26, 19/04/2019
Những cánh rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông quản lý với nhiều dãy núi cao trên 1.000 m, khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao là điều kiện lý tưởng để loài cây pơ mu (nhóm IIA) sinh sống và phát triển. Tuy nhiên, những năm gần đây, giá gỗ pơ mu trên thị trường ngày càng cao (khoảng 30 triệu đồng/m3) nên "lâm tặc" đã “tìm, diệt” loài cây này để lấy gỗ.
Rừng pơ mu lâm nguy
Nằm trên độ cao hơn 1.600 m, tiểu khu 1219 thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (sau đây gọi tắt là Công ty) có quần thể cây pơ mu phân bố dày đặc. Để lên được tiểu khu 1219, từ xã Yang Mao phải đi bộ gần một ngày, vượt qua nhiều dãy núi cao, vực sâu mới đến được chốt chặn của Công ty. Từ đây, phải mất nửa ngày đi bộ nữa mới đến được khu vực sinh sống của loài cây pơ mu.
Dù đường xa, địa hình phức tạp nhưng với lợi nhuận từ gỗ pơ mu mang lại, "lâm tặc" vẫn bất chấp, len lỏi vượt suối, băng rừng để khai thác trái phép pơ mu lấy gỗ. Chỉ trong khoảng nửa năm, ở tiểu khu này đã có 72 cây pơ mu bị "lâm tặc" chặt hạ, nhiều phần gỗ đã bị lấy ra khỏi hiện trường. Gần đây nhất, vào ngày 18-2, lực lượng bảo vệ rừng của Công ty phát hiện hàng loạt cây pơ mu bị đốn hạ tại tiểu khu 1219. Tại hiện trường, nhiều cây pơ mu đã bị đốn hạ, xẻ hộp lấy đi những phần gỗ đẹp, một số cây bị đốn hạ vẫn còn nguyên do "lâm tặc" chưa kịp xẻ phách, đưa ra khỏi rừng.
Qua kiểm đếm, lực lượng chức năng xác định có 24 cây pơ mu đường kính thân cây từ 30 - 60 cm bị đốn hạ. Trong đó, có 16 cây đã bị "lâm tặc" lấy đi những phần gỗ đẹp, chỉ còn sót lại phần cành ngọn; 5 cây mới chỉ lấy một phần thân; 3 cây khác vẫn còn nguyên, "lâm tặc" chưa kịp xẻ phách để đưa gỗ ra khỏi rừng. Trước đó, vào tháng 9-2018 cũng tại tiểu khu này, lực lượng chức năng phát hiện có 48 cây pơ mu bị cắt hạ, trong đó có 21 cây đã bị lấy đi phần thân, còn lại gốc và cành ngọn, 19 cây bị lấy đi phần thân một ít, 8 cây còn nguyên.
"Lâm tặc" gùi gỗ pơ mu khai thác trong lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông ra ngoài. |
Ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông cho biết, để lấy được gỗ từ những dãy núi cao, nơi không có một phương tiện cơ giới nào có thể vào được, "lâm tặc" chấp nhận mệt mỏi, nguy hiểm gùi từng phách gỗ đưa ra khỏi rừng. Với cách thức khai thác này, "lâm tặc" sẽ đưa được gỗ ra khỏi rừng từ rất nhiều hướng, khiến việc phát hiện, xử lý rất khó khăn.
Theo đó, gỗ sau khi chặt hạ, xẻ phách, "lâm tặc" buộc dây rồi gùi lên vai. Mỗi người gùi một phách gỗ với trọng lượng từ 60 - 70 kg rồi cắt rừng đưa gỗ ra ngoài. Để đưa được một phách gỗ lớn, cồng kềnh trên vai ra khỏi rừng, vượt qua những vách núi đá cheo leo, "lâm tặc" đối mặt với rất nhiều rủi ro, chỉ một cái sảy chân có khi phải đánh đổi cả tính mạng, tuy nhiên, sức hút lợi nhuận mà gỗ pơ mu mang lại khiến nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm vào rừng khai thác.
Mạnh tay với "lâm tặc"
Để ngăn chặn người dân xâm nhập vào rừng khai thác gỗ trái phép tại tiểu khu 1219, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông đã bố trí 2 chốt chặn ở tiểu khu 1206 và thác Ea Kar - nơi có đường mòn dẫn vào khu vực tập trung nhiều gỗ pơ mu. Phân trường II của Công ty quản lý tiểu khu 1219 được bố trí từ 12 - 14 nhân viên tăng cường công tác tuần tra, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là ở những khu vực rừng tập trung nhiều gỗ pơ mu.
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông quản lý, bảo vệ 28.240 ha rừng trên địa bàn 3 xã Cư Pui, Cư Đrăm, Yang Mao, trong đó có 8.900 ha rừng phòng hộ và hơn 19.000 ha rừng sản xuất. Trong rừng có sự phân bố của nhiều loại cây gỗ quý có giá trị kinh tế cao như pơ mu, thông hai lá dẹt, bách xanh, kiền kiền…
|
Tuy nhiên, theo ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty cho biết, khu vực rừng này nằm giáp ranh với các xã Cư Đrăm, Cư Pui, Yang Mao – nơi đời sống của người dân còn khó khăn, nguồn thu nhập chủ yếu vẫn phụ thuộc vào rừng dẫn đến việc nhiều loại lâm sản bị lén lút khai thác, đặc biệt là gỗ pơ mu. Ở khu vực này, có những ngày lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị phải vận động, ngăn chặn cả trăm người dân mang phương tiện vào rừng để khai thác lâm sản nên việc quản lý, bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn, áp lực.
Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết, sau khi phát hiện vụ việc phá rừng khai thác gỗ pơ mu trái phép, UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện phối hợp với Hạt Kiểm lâm và các đơn vị liên quan điều tra xử lý các đối tượng liên quan. Theo đó, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông bảo vệ hiện trường, tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Đảng ủy, UBND các xã Cư Đrăm, Cư Pui, Yang Mao tăng cường trách nhiệm trong công quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.
Cùng với đó, UBND huyện cũng đã thành lập đoàn liên ngành để ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, chế biến, mua bán vận chuyển lâm sản, động vật rừng trái phép ở địa phương. Trong đó, lập 2 chốt chặn ở buôn Lắk (xã Cư Pui) và ở Phân trường Cư Hoa, thuộc sự quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông với nhiệm vụ kiểm soát các phương tiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vận chuyển lâm sản trái phép, đồng thời bố trí lực lượng mật phục tại các "điểm nóng" về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật; truy bắt các đối tượng vi phạm lâm luật; xác định các đối tượng “đầu nậu”, chủ đường dây khai thác, vận chuyển, mua bán gỗ để điều tra, xử lý; tổ chức tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng đến đông đảo người dân, đặc biệt là những thôn, buôn sinh sống gần rừng…
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc