Multimedia Đọc Báo in

Phân loại rác thải tại nguồn: Những thay đổi tích cực

08:52, 13/05/2019

Sau hơn 5 tháng thực hiện Chương trình thông tin giáo dục truyền thông thí điểm 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế) và quản lý chất thải rắn tại TP. Buôn Ma Thuột (gọi tắt Chương trình 3R), nhận thức, thói quen bỏ rác của người dân ở nhiều khu dân cư đã thay đổi, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tạo thói quen phân loại rác

Với những hộ dân ở các tổ dân phố 5, 6, 8, 9 ( phường Ea Tam) thói quen bỏ rác bừa bãi hay dồn tất cả vào bao bì rồi tập kết ra khu vực để rác thải chờ xe đến thu gom như trước đây đã không còn, mà thay vào đó mỗi người dân đã biết cách phân loại đâu là rác thải hữu cơ, đâu là rác vô cơ và bỏ đúng nơi, đúng chỗ quy định. Theo nhiều hộ dân, từ khi Chương trình 3R được triển khai thực hiện, người dân được tham gia các lớp tập huấn, truyền thông về cách nhận biết, phân biệt và bỏ rác thải theo từng loại khác nhau. Cũng nhờ đó, người dân đã ý thức được việc bảo vệ môi trường, không còn xuất hiện những bãi rác tự phát ở khu đất trống, nơi công cộng.

Thùng  phân loại  rác thải  công cộng được đặt  tại buôn Tuôr (xã Hòa Phú, TP. Buôn  Ma Thuột).
Thùng phân loại rác thải công cộng được đặt tại buôn Tuôr (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột).

Được biết, phường Ea Tam có 8 tổ dân phố, 3 buôn, 1 trường đại học và 1 chợ. Những khu vực này có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nếu người dân nắm bắt, nhận thức được vấn đề thì họ sẽ là những tuyên truyền viên tích cực trong cộng đồng dân cư trong việc phân loại rác thải tại hộ gia đình. Do đó, dù Chương trình 3R chỉ thực hiện thí điểm tại 241 hộ ở một số tổ dân phố của phường, nhưng sức lan tỏa lại khá rộng khi có rất nhiều hộ dân khác cũng biết đến và cùng thực hiện việc phân loại rác thải.

Ở xã Hòa Phú, nhiều hộ dân ở các thôn, buôn đã thực hiện việc ủ phân từ rác thải hữu cơ trong quá trình sinh hoạt, sản xuất của gia đình mình. Những loại rác thải ra từ rau, củ, quả, thức ăn thừa… được tận dụng để ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng, giảm chi phí đầu tư phân bón, đồng thời giảm gánh nặng, áp lực trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.

Bà Nguyễn Thị Quảng (thôn 4) - một trong những hộ thực hiện phân loại rác thải và ủ phân hữu cơ chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thường bỏ tất cả các loại rác vào chung một túi rồi đem ra để ngoài đường chờ xe công ty môi trường đến thu gom. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, khi tham gia vào Chương trình 3R, gia đình đã nhận biết và phân loại rác thải thành 3 loại riêng biệt: rác thải vô cơ, rác thải hữu cơ có thể tái chế và rác không thể tái chế, trong đó, rác hữu cơ thì tôi gom lại rồi ủ phân để bón cho cây trồng. Nhờ đó, lượng rác thải ra môi trường giảm rất nhiều so với trước đây”.

Cần nhân rộng mô hình

Chương trình 3R được triển khai thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 12-2018 đến hết tháng 6-2019, với 500 hộ dân ở địa bàn phường Thống Nhất, Ea Tam và xã Hòa Phú tham gia. Để mô hình đạt hiệu quả, Ban điều phối Chương trình đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn phân loại rác, kỹ thuật ủ phân hữu cơ cho hộ dân và các trường học; mua sắm trang thiết bị, thùng rác, túi nilon… Đến nay, đã mua sắm và trang bị cho các địa phương 300 thùng rác công cộng, 1.500 thùng và sọt rác hộ gia đình, 6.000 túi nilon đựng rác tự phân hủy; tổ chức truyền thông về phân loại rác thải cho 1.124 học sinh ở các trường học và gần 1.500 người tại 10 phường, xã trên địa bàn thành phố…

Ban điều phối Chương trình tập huấn kỹ thuật ủ phân từ rác thải hữu cơ cho các hộ dân xã Hòa Phú.
Ban điều phối Chương trình tập huấn kỹ thuật ủ phân từ rác thải hữu cơ cho các hộ dân xã Hòa Phú.

Được biết, hiện nay khối lượng rác thải trung bình trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột gần 285 tấn/ngày; trong đó rác hữu cơ chiếm rất lớn và phương thức xử lý chủ yếu là thu gom rồi chôn lấp, đốt. Do đó, nếu thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn sẽ mang lại nhiều lợi ích. Trong đó, rác hữu cơ là nguồn nguyên liệu rất lớn để chế biến thành các loại phân bón; rác vô cơ như nhựa, thủy tinh, nilon, kim loại, cao su là nguồn nguyên liệu tái chế.

Việc tận thu các loại rác sẽ tiết kiệm ngân sách cho địa phương trong quá trình xử lý rác, giảm diện tích chôn lấp; đặc biệt giảm tác động tiêu cực đến môi trường, như hạn chế mùi hôi, giảm ô nhiễm nguồn đất, nước. Hơn thế nữa, phân loại rác tại nguồn còn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường.

Theo chị Nguyễn Thị Thái Thanh (Ban truyền thông Chương trình 3R), đến thời điểm hiện tại, Chương trình đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực. Đó không chỉ là thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức xử lý rác thải, bảo vệ môi trường ở các khu vực thí điểm mà còn lan tỏa đến nhiều khu vực khác. Một điểm đáng chú ý nữa là Chương trình đã tập huấn và hỗ trợ được 40 hộ dân thực hiện ủ phân từ rác thải hữu cơ, đây sẽ là tiền đề để nhân rộng cho các hộ dân khác.

Để Chương trình 3R thực sự đạt hiệu quả và nhân rộng ra tại các khu vực, địa phương khác trên địa bàn thành phố nói riêng, toàn tỉnh nói chung, các cấp, ngành cần giải quyết những vấn đề tồn tại, vướng mắc hiện nay. Đó là phải bố trí xe đi thu rác liên tục để tránh tình trạng rác thải để lâu ngày gây mùi hôi thối, ô nhiễm; bố trí thêm thùng rác tại các điểm công cộng, tăng số lượng người được thụ hưởng từ chương trình. Song song đó, tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng trong việc thay đổi thói quen phân loại và bỏ rác đúng nơi quy định… Có như vậy, Chương trình 3R mới thực sự lan tỏa và nhân rộng.

Chương trình thông tin giáo dục truyền thông thí điểm 3R về quản lý chất thải rắn tại TP. Buôn Ma Thuột có tổng kinh phí thực hiện trên 2,1 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chiếm 95% với hơn 2 tỷ đồng, vốn đối ứng của tỉnh 5% (hơn 108 triệu đồng). Nếu Chương trình thí điểm được thực hiện thành công sẽ làm tiền đề cho việc thực hiện dự án phân loại rác thải tại nguồn trên toàn địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.