Bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên lưu vực sông Sêrêpốk
Nhìn từ các mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản ở Đắk Lắk
Ở Tây Nguyên, các sông Sê San, Sêrêpốk là 2 sông nhánh chính phía bờ trái của sông Mê Công. Lưu vực của 2 sông này trên lãnh thổ Việt Nam nằm trên địa phận của 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.
Trong đó, sông Sêrêpốk được hợp thành từ hai dòng sông là Krông Ana và Krông Knô. Sông được hình thành trên địa phận tỉnh Đắk Lắk, chảy qua hai tỉnh Ratanakiri và Stung Treng của Campuchia trước khi nhập vào dòng Mê Công để sau đó con sông lớn này trở lại Việt Nam. Do dòng sông rất dài, được hợp bởi nhiều con sông, suối nhỏ bắt nguồn và được nuôi dưỡng trong những cánh rừng đại ngàn nên dòng sông này có lưu lượng nước rất lớn, hệ sinh thái của sông cũng rất phong phú và đa dạng, tạo nên một nguồn lợi to lớn về thủy sản. Các loài cá trên dòng sông này có giống cá lăng, vừa có trọng lượng lớn, vừa có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao, mà đặc biệt là loài cá lăng đuôi đỏ, cá mõm trâu... Được biết, sông Sêrêpốk có khoảng 201 loài cá, trong đó 67 loài có giá trị kinh tế cao.
Mô hình nuôi cá trong lòng hồ thủy điện của nhóm cộng đồng thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn. Ảnh: CSRD |
Mặc dù có nhiều lợi thế và giá trị đa dạng sinh học, song cảnh quan các lưu vực sông Sêrêpốk và Sê San thuộc khu vực Tây Nguyên đang bị thay đổi mạnh do quá trình đầu tư, phát triển các thủy điện, khai mỏ, trồng cây công nghiệp và các hoạt động sử dụng đất mang tính thương mại khác. Nơi đây tuy có một mạng lưới sông, suối dày đặc nhưng lại không có những cộng đồng sống hoàn toàn độc lập bằng nghề cá. Phần lớn các hoạt động đánh bắt vẫn nhỏ lẻ, không thường xuyên và chỉ nhằm cung cấp nguồn thực phẩm trong phạm vi địa phương. Đáng chú ý là với hệ thống thủy điện dày đặc trên lưu vực như hiện nay thì sự đa dạng các loài cá đã và sẽ bị thay đổi hoặc biến mất. Do đó, rất cần một cơ chế, một mạng lưới quản trị hiệu quả nguồn tài nguyên thủy sản dồi dào này nhằm vừa duy trì và phát triển sinh kế bền vững cho người dân, vừa giúp bảo tồn, bảo vệ các giá trị tự nhiên, đa dạng sinh học của các lưu vực sông cũng như cảnh quan khu vực.
Theo Quyết định số 82/2008/QĐ-BNN ngày 17-7-2008 của Bộ NN-PTNT về việc công bố các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở nước ta cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển thì ở Đắk Lắk có 7 loài cá nằm trong danh sách đỏ, chủ yếu phân bố ở sông Sêrêpốk gồm: ngựa xám, duồng, chiên lăng, sọc dưa, sấu xiêm, mõm trâu... |
Trong bối cảnh ấy, Dự án “Quản trị tài nguyên nước” đã được ra đời và lựa chọn khu vực Tây Nguyên làm địa bàn trọng điểm, cụ thể là hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, thời gian thực hiện từ 2016 – 2019. Dự án chia làm hai hợp phần, tương ứng với hai địa phương, trong đó hợp phần về quản trị tài nguyên nước do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD) triển khai tại 4 huyện thuộc tỉnh Đắk Lắk gồm Krông Ana, Buôn Đôn, Ea Súp và Lắk.
Thực hiện hợp phần về quản trị tài nguyên nước, CSRD đã thực hiện 5 hoạt động chính bao gồm: Thu thập thông tin và xác định các cộng đồng liên quan ở lưu vực sông Sêrêpốk để tham gia hoạt động dự án; Nâng cao năng lực cho các cộng đồng địa phương, chú trọng các nhóm phụ nữ và thanh niên trong quản trị lưu vực sông; Xây dựng mạng lưới học hỏi giữa các cộng đồng này và các bên liên quan khác để chia sẻ các bài học về quản trị tài nguyên thiên nhiên trong lưu vực sông; Hỗ trợ những biện pháp đánh bắt cá bền vững và các sáng kiến sinh kế bền vững kết hợp với bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên ở hồ Lắk và các khu vực ven sông khác thông qua các quỹ cộng đồng nhỏ; Tổ chức các cuộc đối thoại giữa các bên liên quan về vai trò của cộng đồng, phụ nữ, thanh niên và các hoạt động sinh kế bền vững trong bối cảnh quản trị lưu vực sông ở cấp xã và cấp huyện.
Vệ sinh ao nuôi cho đợt thả cá tiếp theo của nhóm Ea Tung, xã Ea Na, huyện Krông Ana. Ảnh: CSRD |
Từ năm 2016 – 2019, CSRD đã hỗ trợ xây dựng, phục hồi 7 mô hình sinh kế cộng đồng tại các huyện Buôn Đôn, Krông Ana, Lắk và Ea Súp. Cụ thể gồm:
Mô hình nuôi cá ao của các nhóm cộng đồng ở thôn Na Ven, xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) được thành lập mới dựa trên chi hội nghề cá cũ, được hỗ trợ nuôi cá tại ao của gia đình với các loài cá: trắm, trôi, mè và rô phi đơn tính. Ngoài ích lợi vay vốn và gắn kết tổ, nhóm, các thành viên khi tham gia vào nhóm cũng nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản hơn, hạn chế những hoạt động đánh bắt trái phép trên sông nhằm bảo tồn nguồn cá tự nhiên của lưu vực Sêrêpốk.
Mô hình nuôi cá lồng trên sông ở thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) gồm 15 thành viên tận dụng mặt nước sông Sêrêpốk để phát triển mô hình nuôi cá lồng. Tham gia nhóm, các hộ được hỗ trợ nuôi cá tập trung thành một lồng lớn có diện tích 360 m2, thả nuôi các loại cá lóc, cá rô phi, cá trắm…; được tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, cách xử lý dịch bệnh, vệ sinh lồng nên hạn chế được các khó khăn và tổn thất, đồng thời chuyển đổi nuôi các loài cá phù hợp và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ đạt được hiệu quả về kinh tế, nhóm còn giúp các thành viên nâng cao nhận thức về phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững, đồng thời khai thác và quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên nước ở khu vực sông Sêrêpốk.
Mô hình du lịch sinh thái Tân Phú, xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) là sự mở rộng của nhóm nuôi cá trong lòng hồ thủy điện Sêrêpốk 3 với các hộ sinh sống ven sông Sêrêpốk. Hiện các hộ đang phát triển mô hình trồng cam quýt, tiêu, cà phê sạch ven sông để xây dựng mô hình du lịch tham quan cộng đồng với điểm nhấn là hồ nuôi cá lồng, vườn tiêu, vườn cam quýt với phương thức canh tác hữu cơ.
Mô hình nuôi cá của nhóm Ea Tung, xã Ea Na (huyện Krông Ana) gồm 16 thành viên. Ngoài kinh phí hỗ trợ của dự án, nhóm góp đối ứng thêm 36 triệu đồng để phát triển mô hình nuôi cá nước ngọt tại 2 hồ của hai hộ trong nhóm. Sau hơn 3 năm thực hiện, các thành viên đều được tập huấn và áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc từ khâu xử lý ao nuôi đến chăm sóc, chế biến thức ăn, cho cá ăn sao cho đúng cách… nên hạn chế tối đa dịch bệnh, đồng thời đảm bảo chất lượng cá nuôi và nâng cao thu nhập cho các thành viên. Mặt khác, việc thành lập nhóm đã đem lại nhiều lợi ích như tạo việc làm cho phụ nữ; có cơ hội chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau; tinh thần làm việc nhóm tăng lên; ý thức bảo vệ nguồn nước và bảo vệ môi trường được nâng cao, các hộ không vứt rác bừa bãi như trước đây. Hiện nay, cùng với chăm sóc ao cá chung rộng 3.000 m2, các hộ còn truyền đạt kinh nghiệm mở rộng diện tích nuôi cá tại gia đình kết hợp với nuôi heo lai rừng và sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình khoanh vùng mặt nước ở Hồ Lắk (huyện Lắk): Trước tiên, CSRD hỗ trợ phục hồi Chi hội nghề cá Liên Sơn thuộc thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk), đồng thời thành lập Nhóm thủy sản buôn Phôốc, xã Yang Tao, huyện Lắk. Trong đó, đối với Chi hội Liên Sơn, Trung tâm hỗ trợ địa phương tiến hành quy hoạch, phân vùng mặt nước trên Hồ Lắk tiến tới cấp quyền cho các hội/nhóm trên vùng đã được quy hoạch, phân vùng. Đối với nhóm thủy sản ở Yang Tao, CSRD hỗ trợ tiền mua cá giống cho các hộ nuôi thả tại nhà, đồng thời tập huấn kỹ thuật nuôi. Nhóm gồm 6 hộ người dân tộc M’nông, sinh sống chủ yếu từ nghề đánh bắt, khai thác nhỏ lẻ trên Hồ Lắk. Việc vận động họ tham gia mô hình nhằm hướng đến nguồn sinh kế bền vững, ổn định hơn.
Mô hình chi hội nghề cá Ea Súp (huyện Ea Súp): Chi hội Ea Súp được thành lập cách đây gần 10 năm, hiện vẫn hoạt động dựa trên nỗ lực của một số thành viên nòng cốt. Tuy nhiên, hiện CSRD đang hỗ trợ nhóm thành lập nhóm nuôi cá lồng trên lòng hồ Ea Súp, đồng thời hỗ trợ rà soát các văn bản pháp lý nhằm thúc đẩy công nhận và trao quyền đồng quản lý nguồn lợi thủy sản cho nhóm cộng đồng.
Thả 15.000 con giống cá lăng đuôi đỏ của Chi hội nghề cá Ea Súp, huyện Ea Súp. Ảnh: CSRD |
Có thể nói, Dự án “Quản trị nguồn tài nguyên nước” đã thực hiện theo phương thức tiếp cận mô hình đồng quản lý, huy động sự tham gia của cả người dân và chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực sản xuất gắn với thị trường và bảo vệ được nguồn tài nguyên thủy sản phong phú của địa phương. Một số mô hình sáng tạo và hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định đồng thời bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như đa dạng sinh học ở lưu vực sông Sêrêpốk đối với các nhóm cộng đồng. Theo đánh giá của đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh Đắk Lắk, các mô hình do CSRD hỗ trợ đều khá hiệu quả vì đã giúp được các nhóm cộng đồng ở các huyện nâng cao năng lực làm kinh tế, tiếp cận thị trường và đặc biệt là giảm nghèo, hướng tới đánh bắt bền vững, thân thiện với môi trường, bảo tồn nguồn lợi thủy sản, phù hợp với chiến lược phát triển của việc đẩy mạnh phát triển ngành của thủy sản của tỉnh, tạo việc làm và ổn định kinh tế cho nhiều hộ gia đình. Đáng chú ý là các thành viên của các nhóm mô hình nuôi trồng thủy sản ở hai huyện Buôn Đôn và Krông Ana cho hay ngay cả khi dự án kết thúc, họ vẫn duy trì sinh hoạt nhóm, vẫn tiếp tục nuôi cá và nhân rộng mô hình, có thể là mở rộng quy mô ở một số thôn, xã lân cận. Các thành viên cũng sẽ tiếp tục đóng góp vào quỹ nhóm để quay vòng vốn cho các hộ thành viên vay hoặc mở rộng quy mô nuôi cá của nhóm.
Hiện các cộng đồng sống dọc lưu vực sông Sêrêpốk có nguồn thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, do đó, việc thúc đẩy mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản là rất cần thiết, vừa giúp cải thiện kinh tế cho người dân, vừa bảo tồn được các loài thủy sản và đa dạng sinh học của vùng. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả đồng quản lý, cần sự vào cuộc của các các cấp chính quyền, tổ chức địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia và người dân. Các địa phương có thể cân nhắc áp dụng các mô hình của dự án, đồng thời duy trì, phát triển nhiều hơn nữa các nhóm/chi hội nghề cá tại địa phương với các nội dung thích hợp như hỗ trợ tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, phổ biến các chính sách và Luật Thủy sản của Nhà nước, tập huấn tiếp cận thị trường, tìm đầu ra lâu dài cho sản phẩm, kết nối doanh nghiệp…, tạo động lực cho người dân phát triển sinh kế và ổn định cuộc sống.
Hồng Hà (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc