Rừng Ea Sô trước áp lực phá rừng ở khu vực giáp ranh
Rừng của Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô (huyện Ea Kar) giáp ranh với hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên thường xuyên bị lâm tặc xâm nhập khai thác lâm sản trái phép, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên rừng.
Tại khu vực rừng giáp ranh với hai xã Krông Năng, Ia Hdreh (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) có rất đông người dân thường xuyên tụ tập thành nhóm khoảng 5 - 10 người xâm nhập trái phép vào rừng của Khu BTTN Ea Sô để khai thác gỗ. Đặc biệt, lợi dụng thời điểm Công ty MDF Vinafor Gia Lai đang khai thác rừng trồng lâm tặc trà trộn và dựng lán gần rừng để dễ dàng xâm nhập vào rừng khai thác gỗ rồi vận chuyển ra ngoài bằng xe máy độ chế. Chỉ tính từ năm 2017 đến cuối năm 2019, tại khu vực này, Khu BTTN Ea Sô đã phát hiện, xử lý 78 vụ với 96 đối tượng, tịch thu 3,362 m3 gỗ tròn các loại, thu nộp ngân sách nhà nước 286,2 triệu đồng.
Tương tự, tại khu vực giáp ranh giữa Khu BTTN Ea Sô với huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên), tình trạng khai thác rừng trái pháp luật cũng diễn ra rất phức tạp. Các đối tượng vi phạm chủ yếu là người dân ở buôn Zô (xã Ea Ly, huyện Sông Hinh) thường tụ tập thành nhóm từ 7 - 8 người, dùng xe độ chế thâm nhập vào rừng cắt gỗ, sau đó vận chuyển ra ngoài. Từ năm 2017 đến cuối năm 2019, tại khu vực này đơn vị đã phát hiện, xử lý 36 vụ vi phạm lâm luật với 50 đối tượng, tịch thu 4,813 m3 gỗ, thu nộp ngân sách 116,2 triệu đồng.
Những cây gỗ bị lâm tặc chặt hạ ở Khu BTTN Ea Sô - vùng giáp ranh với huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai). |
Trước tình hình đó, Khu BTTN Ea Sô đã chỉ đạo các trạm, đội kiểm lâm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, kịp thời nắm bắt thông tin, xây dựng kế hoạch tuần tra, truy quét các cá nhân, tổ chức xâm hại đến nguồn tài nguyên rừng. Đồng thời tổ chức cho hộ dân nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng tham gia các đợt truy quét với lực lượng kiểm lâm khu bảo tồn; thành lập và đưa vào hoạt động 1 lán trại tạm thời tại khu vực rừng trồng Công ty MDF Vinafor Gia Lai, giáp ranh với tiểu khu 617 – Khu BTTN Ea Sô gồm 4 kiểm lâm viên và 4 người dân nhận khoán bám trụ để giữ rừng.
Tuy nhiên, theo Hạt phó Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô Nguyễn Quốc Hùng, việc quản lý, bảo vệ khu vực rừng này hết sức khó khăn do lực lượng mỏng, đặc biệt là cơ sở vật chất thiếu thốn. Do không có trạm quản lý, bảo vệ rừng nên đơn vị phải mượn đất để dựng lán tạm bợ bằng tôn cho lực lượng giữ rừng cắm chốt trong điều kiện không có điện, nước sinh hoạt. Từ trụ sở của đơn vị đến lán trại tạm thời này nếu đi xe máy phải vượt quãng đường 95 km còn nếu đi bộ bằng đường rừng phải mất 5 giờ nên việc bổ sung lực lượng hay tiếp tế nước sạch, lương thực thực phẩm rất vất vả. “Mong muốn lớn nhất của đơn vị là được đầu tư xây dựng một trạm kiểm lâm và mở một con đường tuần tra từ Quốc lộ 29 đến trạm góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt cho lực lượng giữ rừng, quan trọng hơn là thuận tiện trong việc đi lại phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng”, ông Hùng chia sẻ.
Tại khu vực rừng giáp ranh với tỉnh Phú Yên, Khu BTTN Ea Sô cũng đã thành lập một chốt chặn tại tiểu khu 623 với 2 kiểm lâm và 4 người dân nhận khoán rừng cắm chốt. Tuy nhiên, do các đối tượng phá rừng thường tập trung đông người để vào rừng có khi số lượng lên đến 30 người nên việc đảm bảo an ninh rừng hết sức vất vả. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của đơn vị chủ rừng rất cần sự chung tay vào cuộc của các ngành chức năng, địa phương vùng giáp ranh.
Những chiếc xe máy độ chế dùng để vận chuyển gỗ tại Khu BTTN Ea Sô bị bắt giữ. |
Trước tình hình trên, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, chủ rừng tăng cường lực lượng tuần tra, xử lý triệt để các hành vi vi phạm lâm luật, kết hợp với tuyên truyền vận động người dân tuân thủ những quy định của pháp luật về quản lý bảo vệ rừng; tăng cường phối hợp với các địa phương vùng giáp ranh của các tỉnh trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Cùng với đó, UBND tỉnh đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Gia Lai và Phú Yên chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát tại khu vực rừng giáp ranh giữa hai tỉnh này với Khu BTTN Ea Sô, đồng thời phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk để mở các đợt kiểm tra, truy quét các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng; điều tra xử lý nghiêm các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp đang xảy ra ngày càng phức tạp tại khu vực giáp ranh.
Khu BTTN Ea Sô nằm trên địa bàn huyện Ea Kar, có diện tích 26.848 ha, được thành lập từ năm 1999 với mục tiêu là bảo tồn nguyên vẹn sinh cảnh tự nhiên, độc đáo của hệ sinh thái rừng trong khu vực chuyển tiếp giữa Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ. Tại đây, có nhiều loài động thực vật đặc hữu, quý hiếm, nhất là các loài thú móng guốc cỡ lớn như bò rừng, bò tót… |
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc