TP. Buôn Ma Thuột: Đô thị cần thêm những mảng xanh?
Nói đến Buôn Ma Thuột, người ta nghĩ ngay đến một thành phố cao nguyên, nơi rừng nối rừng, dày đặc những mảng cây xanh lộng gió. Song thực chất với tiến độ đô thị hóa kèm với sự hiện diện những mảng bê tông hiện nay, Buôn Ma Thuột có thật sự giữ được dáng dấp ấy?
Theo các cơ quan chức năng, câu hỏi giữ màu xanh tự nhiên cho TP. Buôn Ma Thuột đã được đặt ra từ nhiều năm trước, và đến hiện tại, khi nhu cầu phát triển xã hội ngày một tăng, thành phố này lại càng đối diện thách thức vừa phải cân đối được không gian đô thị mới hiện đại, to đẹp hơn, vừa phải bảo tồn được những giá trị thiên nhiên bao đời của vùng đất đại ngàn lịch sử…
Giữ vững tiêu chí và diện tích cây xanh?
Ông Tôn Thất Quốc Anh, Phó Phòng Quy hoạch và Kiến trúc Sở Xây dựng Đắk Lắk chia sẻ, bảo vệ, lưu giữ và phải phát triển cho được mật độ cây xanh tự nhiên gắn với điều kiện sinh thái rừng là yêu cầu thường xuyên đề ra với mọi hoạt động, công tác quản lý không gian đô thị Buôn Ma Thuột.
Thực tế lịch sử vùng đất này từ thuở sơ khai cho đến nay luôn định hướng dáng vẻ tự nhiên, hoang sơ. Ngay trong giai đoạn chiến tranh, những cánh rừng bạt ngàn Tây Nguyên vẫn luôn được bảo toàn, đặc biệt bao quanh thành phố luôn là một vành đai xanh gần như bất tận. Sau đó, ở một giai đoạn phát triển “nóng”, công tác quản lý môi trường tự nhiên có lúc bị lơi lỏng bởi áp lực ưu tiên cho định hình kinh tế - xã hội tăng trưởng theo chiều công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng liền sau đó và đến nay, những bất cập đã được đánh giá lại. Đắk Lắk và Tây Nguyên đã xác định rõ giá trị màu xanh thiên nhiên là không thể đánh đổi.
Cây xanh sẽ tạo không gian sinh thái cho nội thị Buôn Ma Thuột. |
Cho đến nay, yếu tố "xanh hóa", bảo tồn thiên nhiên vẫn được tuân thủ ở mọi biểu hiện phát triển đô thị Buôn Ma Thuột, gồm cả những khu vực đô thị đã có lẫn những khu vực đô thị mới, đang triển khai tại các phường trọng điểm như Tân An, Tân Lợi… cũng như vùng giáp ranh với các huyện. Quỹ đất dành cho cây xanh tự nhiên luôn được bố trí nghiêm túc trong từng khu vực quy hoạch, với các tiêu chí hướng đến một đô thị loại I cấp vùng. TP. Buôn Ma Thuột đang bảo lưu giữ gìn hơn 5.700 ha đất cây xanh có sẵn, chăm sóc gần 4.000 ha đất cây xanh mới phát triển, và quy hoạch mở rộng, đầu tư thêm gần 1.100 ha đất cây xanh. Như thế, tổng thể diện tích cây xanh đô thị Buôn Ma Thuột hiện tại và tương lai gần đạt hơn 11.000 ha. Mở rộng ra vùng vành đai bên ngoài, gồm rừng tự nhiên và các mảng cây xanh công nghiệp, rừng trồng, rừng tái sinh thuộc địa bàn các huyện phụ cận, khu vực Buôn Ma Thuột phủ xanh hơn 26.800 ha, bảo đảm mật độ hơn 10 m2 cây xanh/đầu người. Đây là chỉ số phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường cảnh quan của một đô thị lớn Tây Nguyên.
Cần thêm những mảng cây xanh mới
Vấn đề được đặt ra với TP. Buôn Ma Thuột là làm sao phải cân đối được hiện trạng cây xanh bảo toàn với định hướng và nhu cầu mở rộng biên độ đô thị hóa thành phố này. Rất nhiều nhà nghiên cứu, chuyên môn đã chỉ rõ, những năm qua, cùng với tốc độ gia tăng diện tích đô thị, đặc biệt là tỷ lệ bê tông hóa tại các phường nội thị và diện tích “mảng che nhân tạo” (mái tôn, mái bạt…) ở các vùng ven, vùng đệm đã vượt xa độ lan tỏa của tán cây xanh. Nhiều khu vực dân cư mới của thành phố, khi nhà cửa hiện đại mọc lên, tỷ lệ cây xanh dù bị triệt phá không nhiều song tỷ lệ cây xanh phát triển mới hầu như không có. Nhiều khu vực tán cây xanh đại thụ lâu năm của thành phố thậm chí còn bị suy giảm do những ảnh hưởng thiên tai, cây cối bị lão hóa chết đi mà địa phương chưa thể tái khôi phục lại.
Chính vì thế, trong hướng quy hoạch và phát triển đô thị Buôn Ma Thuột, Sở Xây dựng Đắk Lắk cùng các cơ quan hữu quan luôn đặt ra yêu cầu hết sức quan tâm đến những mảng xanh đô thị mới. Hướng vận động của địa phương là phải quy hoạch diện tích cây xanh cũ và mới hợp lý với các đặc trưng, tính chất đô thị đang phát triển thêm, cộng hưởng hài hòa với các điều kiện tự nhiên vùng đất như sông suối, ao hồ, rừng tự nhiên, và cả những cảnh quan buôn làng sẵn có.
Thành phố Buôn Ma Thuột cần thêm nhiều cây xanh trước tốc độ đô thị hóa. |
Cụ thể với hướng mở rộng đô thị hóa, TP. Buôn Ma Thuột đến nay đã định rõ 4 cụm đô thị mở rộng, giúp giãn nở thêm không gian đô thị hiện đại thì cả 4 cụm đô thị cũng phải song hành với không gian xanh tự nhiên, bù đắp phần nào những diện tích cây xanh canh tác (rừng cao su, trang trại thổ sản…) bị giảm bớt lẫn những khu vực đất bạc màu, bỏ hoang phải được tái sinh.
Đặc biệt với cụm đô thị mới phía bắc Buôn Ma Thuột, nơi đang có nhiều dự án đầu tư đô thị mới mọc lên, thu hút nhiều nhà đầu tư chia sẻ trách nhiệm và cơ hội phát triển, yêu cầu định dạng những mảng xanh bền vững là tất yếu. Cho đến nay, riêng tại khu vực này đã ghi nhận những khu đô thị mới, như khu đô thị Ân Phú (đường Hà Huy Tập), Eco City Premium (Km7 vành đai), đô thị Làng châu Âu (phường Ea Tam)… với những mảng xanh công viên rộng từ vài héc-ta trở lên. Những nhà đầu tư này đều thể hiện cam kết tuân thủ và phát huy thế mạnh thiên nhiên Tây Nguyên trong từng dự án đầu tư, bảo đảm phát triển được những mảng cây xanh bền vững nhất, góp phần bảo vệ một Buôn Ma Thuột xanh tươi, ngày càng hiện đại hơn nhưng cũng không bao giờ thiếu đi những mảng xanh.
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc