Multimedia Đọc Báo in

Chuyển biến trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở Ea Hiu

09:24, 13/08/2014
Từng được xem là “điểm nóng” của huyện Krông Pak về tình trạng gia tăng dân số, tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, song nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đến nay xã Ea Hiu đã có những bước chuyển tích cực trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.
 
Xã Ea Hiu có 1.235 hộ dân với 6.050 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 43%. Do phong tục tập quán còn lạc hậu, đời sống kinh tế và nhận thức của người dân hạn chế nên công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình (SKSS - KHHGĐ) gặp không ít trở ngại. Riêng năm 2012, toàn xã có 3 trường hợp tảo hôn và 1 trường hợp kết hôn cận huyết thống. Trước thực trạng đó, Ban Dân số - KHHGĐ xã đã tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xây dựng chương trình hoạt động, trong đó chú trọng tuyên truyền, giáo dục về chăm sóc SKSS cho các đối tượng trong độ tuổi sinh sản bằng nhiều hình thức như tổ chức nói chuyện chuyên đề, cung cấp thông tin liên quan về chính sách Dân số - KHHGĐ. Năm 2013 Ban Dân số KHHGĐ xã đã tổ chức họp nhóm nói chuyện chuyên đề tại 12 thôn, buôn về Luật Hôn nhân và Gia đình, về SKSS - KHHGĐ, SKSS vị thành niên, tác hại của việc tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, phát thanh 5 tin, bài/ tháng về các hoạt động của mô hình đã được triển khai tại cộng đồng, cấp 12 cuốn sách CSSKSS cho Trạm y tế và tổ tình nguyện, các nhóm sinh hoạt, phát tờ rơi, tranh ảnh có nội dung về CSSKSS-KHHGĐ...
Tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ  tại Trạm Y tế xã Ea Hiu.
Tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ tại Trạm Y tế xã Ea Hiu.

Nhờ đó, trên địa bàn không còn xảy ra tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Ngoài tổ chức tuyên truyền lồng ghép trong các buổi họp chi bộ, thôn, xóm, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ, đội ngũ cộng tác viên dân số còn thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông tại địa bàn dân cư đến từng hộ gia đình, gặp gỡ tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, sinh con thứ 3 trở lên hoặc sinh con một bề để tư vấn trực tiếp, hướng dẫn sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe. Chị Châu Thị Trang (thôn Đức Tân) chia sẻ: “Nhà có 2 cô con gái, 2 vợ chồng cũng nhiều lần muốn sinh thêm để kiếm đứa con trai “nối dõi tông đường” nhưng được sự tư vấn của cộng tác viên và cũng thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt do thôn, xóm tổ chức, hiểu được ý nghĩa của việc KHHGĐ nên vợ chồng thống nhất dừng lại ở 2 con để nuôi dạy chúng thật tốt và có điều kiện chăm lo phát triển kinh tế gia đình”.

Từ đầu năm đến nay, Ban Dân số  - KHHGĐ xã đã tổ chức được 24 buổi họp nhóm tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, chăm sóc SKSS, hướng dẫn các biện pháp tránh thai an toàn,… thu hút hơn 400 lượt chị em tham gia; đưa các chị đã đăng ký đi đình sản tại Bệnh viện huyện và đến thăm, hỗ trợ khuyến khích cho mỗi ca đình sản 200.000 đồng, vận động chăm sóc người đình sản 30.000 đồng/ca. Riêng với đối tượng thuộc diện hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ thêm 10kg gạo. Chị Ngô Thị Mận – Trạm trưởng Trạm y tế xã Ea Hiu cho biết: “ Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể, cùng với sự nhiệt tình của đội ngũ cộng tác viên không ngại đến từng nhà, vận động tư vấn trực tiếp, hướng dẫn từng đối tượng trong việc thực hiện KHHGĐ đã tạo được chuyển biến trong nhận thức của người dân. Đến nay có nhiều cặp vợ chồng nằm trong độ tuổi sinh đẻ đã lựa chọn cho mình biện pháp tránh thai phù hợp”.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai các hoạt động Dân số - KHHGĐ trên địa bàn vẫn gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân như: người dân vẫn còn nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ, việc xử lý các đối tượng vi phạm Pháp lệnh Dân số chưa thật cương quyết; sự phối hợp tham gia của một số ban, ngành, đoàn thể chưa thường xuyên, một số cộng tác viên dân số còn thiếu kiến thức chuyên môn…

Thiết nghĩ, để nâng cao hơn nữa công tác dân số ở Ea Hiu trong thời gian tới, xóa bỏ dần những hủ tục, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ phía chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là đội ngũ làm công tác tuyên truyền ở cơ sở.

 Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.