Những bước chân không mỏi
Để góp phần giảm thiểu tỷ lệ sinh con thứ ba, triển khai hiệu quả các chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản… thì không thể thiếu vai trò to lớn của những cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số. Họ như những con ong cần mẫn “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, âm thầm làm cầu nối đưa chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đến với từng người dân.
Nữ chuyên trách công tác dân số có nhiều sáng kiến
Cuôr Knia là xã vùng 3 của huyện Buôn Đôn, đời sống, kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn. Toàn xã có tới 62% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số (hầu hết là dân tộc phía Bắc di cư vào sinh sống). Do trình độ dân trí chưa cao nên tư tưởng trọng nam và muốn sinh nhiều con vẫn còn ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân nơi đây. Thế nhưng, với sự nhiệt tình, tận tâm với công việc, chị Tạ Thị Minh (SN 1977), cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Cuôr Knia đã không ngại khó “đi từng ngõ - gõ từng nhà” tuyên truyền về chính sách dân số, góp phần nâng cao nhận thức của người dân. Chị Minh cho biết: Để nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền cho bà con trong xã, chị đã có sáng kiến khoanh vùng đối tượng cần tuyên truyền, từ đó phối hợp cùng đội ngũ cộng tác viên tại các thôn, buôn tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Theo chị Minh, muốn vận động chị em đình sản, phải tìm hiểu kỹ hoàn cảnh gia đình, rồi lựa cách tiếp cận, nói chuyện. Đã làm công việc này thì không được tự ái, phải có tinh thần “sắt” và kiên trì thì mới làm được. Trải qua 15 năm gắn bó với công tác DS-KHHGĐ, chị Minh dành nhiều thời gian để tìm hiểu từng hộ gia đình, đời sống của bà con trong các thôn buôn… Hành trang của chị là cuốn sổ chi chít thông tin về những gia đình đông con, có hoàn cảnh khó khăn, những nhà chị sẽ đến vận động họ “kế hoạch”. Nhờ vậy mà hiệu quả công tác DS - KHHGĐ của xã có những chuyển biến rõ rệt. Đơn cử như thôn 8, có gần 90% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhưng 4 năm nay không có người sinh con thứ 3.
Để góp phần giảm thiểu tỷ lệ sinh con thứ ba, triển khai hiệu quả các chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản… thì không thể thiếu vai trò to lớn của những cán bộ chuyên trách, |
Để những chính sách DS - KHHGĐ đến được tận người dân, chị Minh luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cộng tác viên cơ sở hoạt động tích cực; lồng ghép hoạt động tuyên truyền dân số cùng với hoạt động của các tổ chức, hội, đoàn thể của xã. Nhờ vậy những năm qua, tỷ lệ hộ sinh thứ 3 của xã Cuôr Knia giảm đáng kể. Từ một điểm “nóng” về tình trạng sinh con thứ 3 trở lên của huyện (năm 2000), năm 2014 chỉ còn 9 cặp vợ chồng sinh thêm con thứ 3. Khi được hỏi về những vất vả của một cán bộ chuyên trách ở xã vùng 3, chị cười xòa: “Vất vả có thấm gì, quan trọng là mình luôn tìm thấy được niềm vui trong công việc. Vui nhất là mình đã góp phần nâng cao nhận thức cho bà con về thực hiện KHHGĐ, sinh ít con, đỡ gánh nặng, tập trung để phát triển kinh tế, bà con bớt nghèo, bớt khổ”.
Những nỗ lực không mệt mỏi của nữ cán bộ chuyên trách dân số Tạ Thị Minh đã được ghi nhận bằng những Giấy khen do Chi cục DS-KHHGĐ huyện Buôn Đôn trao tặng trong những năm qua. Nhưng với chị Minh, phần thưởng quý giá nhất chính là sự tin yêu của bà con trong xã dành cho một cán bộ chuyên trách dân số luôn hết mình vì công việc.
Người bạn của mỗi gia đình
Đến thôn 8, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) hỏi thăm bà Huỳnh Thị Kim Anh (SN 1960) thì ai cũng biết. Trước đây, bà Kim Anh làm cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ ở phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột). Đến năm 1991, bà nghỉ hưu theo chế độ mất sức lao động và tham gia làm cộng tác viên dân số tại địa bàn thôn 8, xã Cư Êbur đến nay.
Bà Huỳnh Thị Kim Anh, cộng tác viên dân số xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) luôn được người dân tin tưởng, yêu mến. |
Bà Kim Anh cho biết, làm một cộng tác viên dân số phải có đức tính nhẫn nại và đặc biệt là phải tận tâm, tận tụy. Theo bà, việc tuyên truyền, vận động người dân sinh đẻ có kế hoạch không chỉ đơn thuần là đến nhà vận động mà quan trọng là thông qua tuyên truyền làm thay đổi được nhận thức của người dân. Muốn vậy người cộng tác viên dân số phải có cách sống chan hòa, gần gũi với bà con, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của các cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ, từ đó kiên trì tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của việc sinh ít con. Trải qua nhiều năm trong nghề, bà Kim Anh đã gặp không ít chuyện buồn, vui trong nghề. Bà kể: Có những lần đến nhà người dân thì bị họ vứt tờ rơi tuyên truyền ngay khi vừa phát, hay có những hộ còn nói nặng lời, thậm chí đuổi cả công tác viên dân số ra ngoài. Mặc dù vậy, nhưng với phương châm một lần đến không được, đến hai, ba lần có khi 4, 5 lần, bằng mọi cách thuyết phục để họ hiểu ra vấn đề để thực hiện việc sinh đẻ có kế hoạch phù hợp với hoàn cảnh gia đình, xã hội… nên bà đã thành công. Đối với các cặp vợ chồng sinh con một bề, bà đến nhà trò chuyện, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, kết hợp với tư vấn, vận động họ thực hiện KHHGĐ. Trong quá trình vận động, bà luôn thân thiện, nhiệt tình giúp đỡ họ trong những lúc khó khăn, không nề hà vất vả, đồng thời khéo léo nêu gương những cặp vợ chồng sinh 2 con, gia đình hạnh phúc, kinh tế khá giả để mọi người học hỏi và làm theo.
Nhiều năm nay, hình ảnh bà Huỳnh Thị Kim Anh đã trở nên gần gũi, thân thuộc đối với người dân thôn 8 nói riêng và xã Cư Êbur nói chung. Có những cặp vợ chồng còn xem bà như người thân, người chị, người mẹ của mình. Nhiều gia đình sinh con một bề muốn tiếp tục sinh tiếp để “có cả nếp lẫn tẻ”, nhưng qua những lần bà Kim Anh đến nhà trò chuyện, vận động đã thay đổi suy nghĩ, quyết định dừng lại ở con thứ 2 để nuôi dạy cho tốt. Điển hình như trường hợp của gia đình chị Hà Thị Ngọc Ánh, Phạm Thị Thanh Hoa, Nguyễn Thị Huyền (thôn 8), đến nay đã không còn ý định sinh con thứ 3 nữa mà tập trung làm kinh tế, nuôi dạy con cái chăm ngoan, học giỏi.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc