Multimedia Đọc Báo in

Những thói quen xấu của trẻ mà cha mẹ cần lưu ý

07:20, 15/11/2015
Các em bé từ 3 tuổi trở lên thường có nhiều thói xấu mà nếu không để ý kỹ thì bố mẹ cũng khó lòng phát hiện ra. Cha mẹ phải có biện pháp uốn nắn, dạy dỗ để khi lớn lên con cái không bị ảnh hưởng bởi những thói quen xấu được hình thành từ lúc nhỏ...

Hay hờn dỗi: Tính cách này thường xuất phát từ nguyên nhân cha mẹ hay nhượng bộ trước những yêu sách của trẻ. Khi trẻ hờn dỗi thường là vì chúng muốn đòi hỏi người lớn đáp ứng một yêu cầu nào đó. Nếu bạn thường xuyên đáp ứng ngay khi trẻ có thái độ này thì bé sẽ quen.

Nếu con có thói xấu này, các phụ huynh nên mềm mỏng và kiên nhẫn để sửa chữa cho bé. Chẳng hạn, khi trẻ dỗi để đòi kẹo, hãy giải thích với bé tại sao bé không nên ăn kẹo lúc này, phải kiên quyết không đáp ứng những yêu sách nho nhỏ của bé.

-Tính cẩu thả: Một ngày kia bạn bực bội khi nhận ra con mình rất bừa bãi: chơi trò chơi xong không dọn dẹp, quần áo thay ra ném ngay xuống sàn, bé không có ý thức thu dọn nhà cửa… Điều này thường xảy ra khi bạn… quên dạy bé các nguyên tắc ngăn nắp. Nếu bạn quát mắng trẻ ngay lúc này thì trẻ sẽ cảm thấy chúng bị mắng oan. Hãy bắt đầu lại từ đầu: xây dựng cho trẻ tính ngăn nắp, từ việc cởi dép, dọn đồ chơi cho đến cách ăn uống. Một đứa trẻ có tính ngăn nắp khi lớn lên sẽ dễ thành công trong cuộc sống hơn so với những bé cẩu thả.

-Hiếu thắng: Các bậc phụ huynh đều mong trẻ giỏi hơn chúng bạn và vì thế mà thường động viên các em cố gắng. Song nếu cách giáo dục không khéo léo sẽ biến con bạn thành một đứa bé hiếu thắng: bé luôn muốn mình là nhất và khó chấp nhận thất bại, ngay cả trong các trò chơi thông thường với bạn bè, có tâm lý không công nhận bạn giỏi hơn mình… Trong cách dạy con hằng ngày, ngoài việc động viên trẻ cố gắng vươn lên thì nên dạy bé nhìn thấy các mặt tốt, mặt nổi trội của bạn bè xung quanh. Không nên ca ngợi bé mà hạ thấp các bạn bè của bé. Dạy trẻ cả cách chấp nhận những thất bại trong cuộc sống qua các trò chơi, như một lẽ đương nhiên.

-Thiếu sự chia sẻ: Bạn nhận ra con mình không biết chia sẻ với những buồn đau hay khó khăn của người khác. Bé có vẻ thờ ơ khi thấy ai đó trong gia đình kêu mệt, không chú tâm khi thấy bạn bè bị ngã, bị đau… Nếu thoạt nhìn, bạn khó có thể coi đó là một thói xấu, song điều này sẽ là tiền đề cho tính thờ ơ, ích kỷ của trẻ. Cha mẹ nên sớm phát hiện ra điều này ở trẻ để điều chỉnh con. Sự thiếu chia sẻ có nhiều nguyên nhân, trong đó ảnh hưởng một phần rất quan trọng từ cách xử sự của người thân trong gia đình với nhau. Khi trẻ sống trong môi trường mà mọi người quan tâm tới nhau từ nét mặt, cử chỉ thì bé cũng học theo điều đó. Chẳng hạn, khi người bố đi làm về có vẻ mỏi mệt, người mẹ nên nói với con: “Con à, hình như bố hôm nay mệt lắm thì phải, con mang nước đến mời bố và hỏi thăm bố xem sao!”. Và khi nhận được sự thăm hỏi của con, chúng ta nên tỏ ra hạnh phúc, cảm động và hãy cảm ơn bé… Bé sẽ hiểu được giá trị của hành động chia sẻ: đem lại niềm vui cho người khác và chính điều đó làm bé cũng cảm thấy hạnh phúc.

Nguyễn Thị Hải


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.