Nghị lực vượt khó, làm giàu của một Cựu chiến binh
Quê gốc ở Thái Bình, năm 1993 anh Hà Văn Tân vào xây dựng kinh tế mới tại Buôn Tung 3, xã Buôn Triết (Lak). Tài sản lúc đầu chỉ với 2 bàn tay trắng, nên cuộc sống của gia đình anh gặp không ít khó khăn.
Với đức tính cần cù, chịu khó, sau nhiều năm làm lụng vất vả, vợ chồng anh đã tích lũy, dành dụm mua được hơn 1 ha đất nông nghiệp và bắt tay trồng thí điểm 35 cây hoa mai. Vốn là người yêu thích trồng cây cảnh nên anh Tân đã tích lũy một số kinh nghiệm về kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa đào; những tưởng có thể áp dụng vào việc trồng hoa mai nhưng khi áp dụng thì lại không phù hợp nên việc trồng mai của gia đình anh cũng gặp không ít khó khăn. Không nản chí, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, anh đã tìm tòi học hỏi kinh nghiệm trên sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng và từ những người đã trồng thành công để tích lũy cho mình vốn kiến thức về nghệ thuật chơi cây cảnh. Nhờ vậy, dần dần hầu hết cây cảnh anh trồng đều phát triển tốt, nhiều cây được đánh giá cao về nghệ thuật và có giá trị kinh tế cao.
Sau nhiều năm sưu tầm, đến nay gia đình anh Tân đã có khoảng 1.200 cây cảnh các loại, gồm các loại như mai, quất, si…, trong đó mai chiếm trên 80%. Với khiếu thẩm mỹ, đôi bàn tay khéo léo, anh Tân còn tự tay đúc chậu, giảm được chi phí đáng kể cho việc mua chậu. Mỗi năm, sau khi đã trừ chi phí, gia đình anh thu lãi trên 70 triệu đồng từ việc bán cây cảnh.
Ngoài việc trồng cây cảnh, anh Tân còn trồng thêm 9 sào lúa. Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt nên ruộng lúa gia đình anh phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất trung bình đạt 8 tạ/sào, mỗi năm cũng đem lại cho gia đình anh gần 40 triệu đồng, nâng tổng thu nhập của gia đình anh lên trên 100 triệu đồng/năm.
Từ chỗ đói nghèo, với nghị lực vươn lên đến nay, cựu chiến binh Hà Văn Tân đã có của ăn của để, mua sắm được nhiều vật dụng sinh hoạt trong gia đình và có điều kiện chăm lo cho các con học hành.
Ý kiến bạn đọc