Một cán bộ phụ nữ tận tụy với công việc
Công tác phụ nữ đã gắn bó với chị Phạm Thị Ngân, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea Bhôk (Cư Kuin) như một cái “nghiệp” kể từ năm 2000 khi chị được mọi người tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 4. Sáu năm sau, bằng những thành tích của mình, chị lại được tín nhiệm làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea Bhôk.
Chị luôn xông xáo, đi đầu trong mọi phong trào, hoạt động. Không chỉ trong giờ hành chính, chị luôn tận dụng mọi thời gian để xuống cơ sở, sâu sát gần gũi với chị em, vận động họ tham gia vào các phong trào của Hội, thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng những việc làm cụ thể. Với 8 chi hội buôn đồng bào dân tộc tại chỗ, mới đầu, do bất đồng về ngôn ngữ nên chị đã gặp không ít khó khăn trong việc tìm hiểu những tâm tư, tình cảm cũng như những phong tục tập quán của người dân địa phương. Nhưng bằng cái tâm, sự chân thành và gần gũi, lý lẽ thuyết phục nên chị đã thuyết phục các hội viên cũng như bà con trong xã tín nhiệm, nghe theo. Những hoạt động và phong trào của Hội đều được chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện và chị em hội viên phụ nữ ủng hộ nhiệt tình.
Nhận thấy nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chị đã mạnh dạn phát động trong toàn hội viên học tập và làm theo Bác bằng hành động cụ thể, đó là phong trào xây dựng “Hũ gạo tình thương” và phong trào “Nuôi heo đất”. Lúc đầu, chị em cũng ngần ngại vì cuộc sống chưa phải là dư dả, nhưng nhờ chị kiên trì thuyết phục, phân tích rõ những cái lợi của việc lấy tiền để dành trong heo đất, cuối năm lấy ra để hỗ trợ, giúp đỡ những gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn, còn gạo mỗi ngày một nhúm nhỏ có thể giúp nhiều chị em hoặc hộ nghèo ở thôn, làng mình nên chị em đều hăng hái tham gia. Từ phong trào này, trong thời gian qua, Hội Phụ nữ xã Ea Bhôk đã vận động được gần 2.400 kg gạo để giúp 43 chị có hoàn cảnh khó khăn và tiết kiệm được 15,8 triệu đồng giúp 53 chị có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế.
Song song với 2 phong trào “Hũ gạo tình thương” và “Nuôi heo đất”, chị luôn thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ, nhất là tập trung chỉ đạo triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Chị luôn đi đầu và tạo điều kiện để chị em phụ nữ trong xã phát triển đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần; cử chị em tham gia các lớp tập huấn, học tập chuyên đề, tham gia phản biện xã hội để nâng cao kiến thức. Trong lao động sản xuất, chị đã vận động chị em phụ nữ mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, đầu tư phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy, nhiều chị em đã ý thức được cần chủ động để phát triển kinh tế, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, các cấp Hội phụ nữ xã xem đây là cơ sở để phát động phong trào thi đua yêu nước trong lực lượng phụ nữ xã nhà. Không chỉ trong lĩnh vực văn hóa, kinh tế, chị em phụ nữ trên địa bàn xã còn tích cực thực hiện tất cả các chương trình hành động như: kế hoạch hóa gia đình, vận động các thành viên trong gia đình chấp hành tốt luật an toàn giao thông, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động thanh niên lên đường nhập ngũ hoặc tạo điều kiện chăm lo con cái đến trường. Phát huy vai trò trách nhiệm và mối quan hệ đoàn kết, thống nhất giữa các chi hội phụ nữ trên mọi lĩnh vực, chị Ngân còn mạnh dạn phát động và đi đầu trong phong trào kết nghĩa giữa chi hội phụ nữ người Kinh và chi hội người đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác kết nghĩa không chỉ thắt chặt tình đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc mà còn là một cách để giúp chị em trong Hội có điều kiện giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, cùng phát triển kinh tế gia đình.
Ý kiến bạn đọc