Multimedia Đọc Báo in

Vượt qua lầm lỗi để vươn lên làm giàu chính đáng

14:38, 03/04/2011

Trước đây, bà con xã Cuôr Đăng (Cư M’gar) thường gọi ông Y Khuôl Êban, ở buôn Kroa B bằng biệt hiệu “Khuôl bán nước” bởi ông từng lầm lỡ đi theo Mỹ – ngụy trong những năm tháng kháng chiến. Thế nhưng, nhờ sự chăm chỉ làm ăn, biết chuộc lại lỗi lầm, bây giờ cái biệt hiệu ấy đã được thay bằng cái tên rất đỗi gần gũi và thân mật “Triệu phú Y Khuôl hay giúp đỡ người nghèo”.

Năm 1984, sau thời gian đi cải tạo tập trung tại Trại giam Dak Trung, Y Khuôl Êban được trở về địa phương. Những ngày đầu mới đi cải tạo về, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cả nhà chỉ biết dựa vào hơn 3 ha đất trồng cây hoa màu và 5 sào đất trồng cà phê, do kỹ thuật canh tác lạc hậu, chưa biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nên hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Nhưng với sự nỗ lực vượt khó, quyết tâm làm giàu để chuộc lại lỗi lầm trong quá khứ của bản thân, Y Khuôl đã tích cực đưa các loại cây trồng mới cho năng suất cao vào canh tác, đồng thời trồng xen canh một số loại cây ngắn ngày vào diện tích cà phê để nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình ông dần ổn định và đã có của ăn của để. 

Ông Y Khuôl Êban một điển hình phát triển kinh tế ở buôn Kroa B, xã Cuôr Đăng.
Ông Y Khuôl Êban một điển hình phát triển kinh tế ở buôn Kroa B, xã Cuôr Đăng.
Năm 1993, do giá cả cao su xuống thấp, nhiều hộ dân trong xã đã bán diện tích đất canh tác của mình để chuyển sang chăn nuôi. Nhận thấy đây là thời cơ tốt để đổi đời, ông Y Khuôl đã mạnh dạn đầu tư tiền mua 23 ha cao su về chăm sóc. Nhờ biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khâu chăm sóc và khai thác nên vườn cao su gia đình ông phát triển xanh tốt và cho sản lượng mủ cao, hằng năm trừ hết chi phí, ông vẫn thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Có vốn, ông tiếp tục đầu tư tiền mua thêm heo, bò để nuôi, đến nay ông đã sở hữu gần 26 ha đất canh tác, trong đó có 23 ha trồng cao su, 1 ha cà phê, 2 ha hoa màu, 10 con heo và 5 con bò. Sau khi chia một số diện tích đất cho con cái, đến nay ông vẫn còn lại 23 ha cao su và 1 ha cà phê, tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động trong buôn, với mức thu nhập mỗi người 3 triệu đồng/tháng. Hiện nay, thu nhập hằng năm của gia đình ông lên đến gần 300 triệu đồng. Nhờ làm ăn khá giả, ông đã xây được nhà khang trang, trị giá trên 1 tỷ đồng, mua được ô tô và sắm sửa được nhiều phương tiện sinh hoạt đắt tiền.

Để chuộc lại lỗi lầm của mình trong quá khứ, ông Y Khuôl luôn chấp hành tốt các đường lối chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; tích cực tham gia các quỹ đóng góp ở địa phương như: “Quỹ Vì người nghèo”, “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa”.., đồng thời, ông cũng thường xuyên giúp đỡ cho các hộ gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn về vốn, kinh nghiệm làm ăn để cùng nhau làm giàu, cùng nhau xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Nhờ vậy, ông đã lấy lại được lòng tin và quý mến của  bà con trong buôn, trong xã.

 

Trung Dũng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.