Multimedia Đọc Báo in

Ấm lòng những bữa cơm từ thiện

13:45, 20/11/2011

Từ hơn hai năm nay, bà con phật tử Niệm phật đường An Bình, (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) và các mạnh thường quân đã có những bữa cơm từ thiện làm ấm lòng bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Buôn Đôn. 

Cứ đều đặn ngày 14 và 30 âm lịch hằng tháng, các thành viên hoạt động thiện nguyện lại tập trung tại Niệm phật đường thật sớm, tất bật đi chợ, nấu nướng. 10 giờ trưa, xong đâu vào đấy, mỗi người một tay cẩn thận xếp từng hộp cơm ngay ngắn vào những chiếc giỏ rồi chở xe máy vượt quãng đường hơn 10 km để để kịp trao suất cơm trưa cho những bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Buôn Đôn. Số lượng suất ăn được phát tùy thuộc vào số người bệnh mà bệnh viện báo về, trung bình, mỗi tháng có hơn 200 suất cơm, canh đến với bệnh nhân ở đây. Cẩn thận hơn, nhà chùa còn đóng thêm 10 đến 20 suất cơm phụ để những bệnh nhân mới nhập viện vẫn có cơm ăn. Người ta thường nói “của cho không bằng cách cho”, có đến tận nơi, chứng kiến cảnh các anh chị trong đoàn cùng y, bác sĩ bệnh viện giữa trưa nắng nóng đến từng giường bệnh, tận tay trao những suất ăn tới bệnh nhân mới thấy hết tình người trong mỗi “cách cho”.

Bà con phật tử Niệm phật đường An Bình đang trao những suất cơm từ thiện cho bệnh nhân (đứng giữa) điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Buôn Đôn.
Bà con phật tử Niệm phật đường An Bình đang trao những suất cơm từ thiện cho bệnh nhân (đứng giữa) điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Buôn Đôn.

Chị Đinh Thi Hương (thôn 7, xã Ea Bar) kể, thương nhất là những bệnh nhân nghèo nằm viện dài ngày, vừa ốm đau, lại phải lo tiền thuốc men, ăn uống làm họ càng khó khăn hơn. Những suất ăn tuy không nhiều nhưng là sự hỗ trợ kịp thời, làm họ thấy ấm lòng hơn… Gắn bó nhiều năm với “bữa cơm từ thiện”, tham gia nấu và mang cơm đến bệnh viện, chị Lê Thị Hai (xã Ea Bar) chia sẻ, khi nhận được những lời cảm ơn và nhìn ánh mắt ánh lên niềm vui của các bệnh nhân nghèo lúc nhận cơm, những người làm công tác từ thiện như chị cảm thấy đây là một việc cần được thực hiện thường xuyên hơn. Với chị, được nấu cơm cho bệnh nhân đã trở thành niềm vui, nguồn động lực trong cuộc sống… Sư Thích nữ Diệu Lành, trụ trì Niệm phật đường cho biết, cùng với việc lo các thủ tục về pháp lý, sư cũng luôn nhắc nhở các chị nhà bếp phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Dù còn nhiều khó khăn nhưng mỗi người cứ cố thêm một tí, cùng nhau chia sẻ với người bệnh. Để có tiền duy trì hoạt động, sư cô cùng bà con phật tử trong chùa còn làm bánh bao chay nhờ các quán cơm trên TP. Buôn Ma Thuột tiêu thụ giúp. Từ đó, cùng với sự đóng góp của các phật tử, nhà hảo tâm, hằng tháng, từng suất cơm vẫn đều đặn đến với các bệnh nhân. Với những bệnh nhân ở các xã vùng sâu vùng xa, khi nhận được suất cơm nóng hổi trao tay, nhiều người trong số họ đã không cầm được nước mắt. Bệnh nhân H’ Jim Niê (xã Ea Kha) tâm sự, điều trị tại bệnh viện, tiền viện phí, tiền thuốc men đã tốn đi nhiều thứ. Suất cơm từ thiện vừa ngon, lại vừa vệ sinh giúp chị tiết kiệm được một khoản chi tiêu, an tâm hơn để lo điều trị.

 

Những suất cơm từ thiện không chỉ góp phần giúp bệnh nhân tiết kiệm một phần chi phí ăn uống mà như một liều thuốc tinh thần, tạo ra niềm tin vào tình người, tiếp thêm động lực để họ vượt qua bệnh tật.

Đỗ Lan

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.