Multimedia Đọc Báo in

Người cộng tác viên dân số “4 trong 1”

13:49, 20/11/2011

Chị Lương Thị Quẩn, cộng tác viên (CTV) dân số thôn Thái, xã Bông Krang (Lak) mới 27 tuổi nhưng đã có 5 năm tham gia công tác Dân số-Phụ nữ. Luôn năng nổ, nhiệt tình trong công việc, những năm qua, chị đã góp phần làm thay đổi nhận thức của một bộ phận người dân về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Các chỉ tiêu về vận động thực hiện các biện pháp tránh thai như đặt vòng, sử dụng bao cao su... trong thôn đều được chị triển khai có hiệu quả, đặc biệt hơn 5 năm liền trong thôn chỉ có một trường hợp sinh con thứ 3.

Buôn Thái hiện có 51 hộ gia đình với 228 khẩu, trong buôn có 4 dân tộc anh em sinh sống là Thái, Mường, M’nông và Kinh. Cuộc sống của người dân trong thôn còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp. Chứng kiến những khó khăn của người dân nơi mình đang sống, cảnh trẻ con nheo nhóc thiếu ăn, thiếu mặc, cảnh gia đình đông con cãi vã nhau khi cần tiền chạy chữa, thuốc thang cho con…, năm 2006, chị Lương Thị Quẩn, người dân tộc Thái đã tình nguyện làm CTV dân số.

Không quản đường sá đi lại khó khăn, hay thái độ và những cư xử thiếu thiện cảm của các gia đình, nhất là những gia đình đông con, sinh con một bề, chị thường xuyên tìm đến tận nhà để động viên, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các gia đình, vận động họ thực hiện tốt chính sách DS - KHHGĐ. Nhờ là Chi hội phó Chi hội phụ nữ của thôn nên chị cũng phần nào hiểu và nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của chị em song do quan niệm “trời sinh voi ắt sinh cỏ”, sinh đông con cho vui cửa vui nhà, sinh con trai cho có thêm lao động để làm nương rẫy phụ giúp gia đình… đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều gia đình nên việc tuyên truyền vận động các đối tượng thực hiện việc sinh đẻ có kế hoạch rất khó khăn. Để làm tốt công việc, chị đã gương mẫu thực hiện sinh đẻ có kế hoạch: chỉ sinh hai con. Cùng với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, ngoài việc phối hợp với các chi hội, đoàn thể và các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền cho chị em về chính sách dân số, các biện pháp tránh thai hiện đại, những khó khăn, vất vả khi sinh đông con,…  hằng ngày chị còn tích cực đến tận các gia đình để nói chuyện, phân tích rõ tác dụng của việc sinh đẻ có kế hoạch. Đối tượng được chị quan tâm là những hộ gia đình đông con, sinh con một bề, tùy từng đối tượng mà chị có cách vận động phù hợp… Chị Quẩn còn nhớ mãi những lần đến vận động đình sản tại một gia đình có người chồng rất khó tính, phải đến vận động rất nhiều lần người chồng mới cho vợ đi đình sản với điều kiện chị Quẩn phải trực tiếp đưa đi. Thế là, dù đang “bụng mang dạ chửa”, mang thai đến tháng 6, chị vẫn không quản ngại khó khăn, trực tiếp chở đối tượng đi đình sản…

Chị Lương Thị Quẩn (bìa phải) đang vận động chị em thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ.
Chị Lương Thị Quẩn (bìa phải) đang vận động chị em thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ.
Cứ như vậy, với lòng tâm huyết, sự năng nổ và nhiệt tình trong công việc, dần dần chị đã giúp cho nhiều hộ nhận thức được tác hại của việc sinh đông con, giúp họ lựa chọn được những biện pháp tránh thai thích hợp để kế hoạch hóa gia đình. Qua đó trong những năm qua các chỉ tiêu về dân số của thôn mỗi năm đều đạt kết quả cao, số cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng nhiều. Hiện trong thôn có 46 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thì có 44 trường hợp sử dụng các biện pháp tránh thai, đạt gần 95,6%; trong đó có 15 trường hợp đặt vòng, 7 trường hợp dùng thuốc tránh thai, 6 trường hợp đình sản và 8 trường hợp sử dụng các biện pháp tránh thai khác.

Gia đình chị Lương Thị Mai là một trong những hộ đã được chị Quẩn tuyên truyền về chính sách DS – KHHGĐ. Hiểu ra những khó khăn, vất vả của việc sinh con đông, vợ chồng chị Mai đã kiên quyết dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt. Sinh ít con, vợ chồng chị không chỉ có thời gian chăm sóc con cái mà còn có nhiều thời gian chăm lo phát triển kinh tế gia đình, vì vậy cuộc sống của gia đình ngày một ổn định hơn. Với hơn 2 ha đất, từ việc trồng ca cao, mì, điều, lúa, mỗi năm mang lại cho gia đình chị nguồn lãi gần 80 triệu đồng. Cũng nhờ được tuyên truyền các chính sách DS – KHHGĐ, chia sẻ kinh nghiệm nuôi con khỏe, dạy con ngoan…, chị Lữ Thị Thái đã lựa chọn phương pháp đặt vòng và chỉ sinh hai người con. Hiện nay, với hơn 2 ha đất trồng lúa và cà phê mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm, cuộc sống của gia đình chị Thái ngày càng trở nên khá giả hơn, có điều kiện chăm lo cho các con học hành. Năm 2008, gia đình chị còn xây dựng được ngôi nhà mới khang trang với trị giá 270 triệu đồng…

Không chỉ là cộng tác viên dân số năng động, nhiệt tình, chị Lương Thị Quẩn còn là Chi hội phó Chi hội phụ nữ, cán bộ y tế thôn, và đại biểu HĐND xã nhiệt tình, gương mẫu. Trên mọi chức vụ công tác chị Quẩn luôn hoàn thành tốt công việc được giao. Trong gia đình, chị còn là người vợ, người mẹ đảm đang, hai người con của chị đều chăm ngoan học giỏi, hằng năm gia đình chị đều được công nhận gia đình văn hóa… 

Vy Thủy

Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk – Phú Yên: Chủ động chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính, Đắk Lắk và Phú Yên đang tiến hành công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh. Hội nghị giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh được tổ chức tại Buôn Ma Thuột vào chiều 18/4 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này.