Multimedia Đọc Báo in

Một cựu chiến binh người Mông tham gia tích cực phong trào xóa đói, giảm nghèo

08:31, 25/06/2012

Từ quê hương Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang), anh Dương Tiến Dình  nhập ngũ năm 1984, đến năm 1987 hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Do đất đai ở quê cằn cỗi, đồi núi dốc, sản xuất gặp nhiều khó khăn, cuộc sống thiếu đói quanh năm nên đến năm 1996, gia đình anh Dình di cư vào sinh sống tại thôn Yang Hăn, xã Cư Đrăm (Krông Bông).

Vào lập nghiệp với hai bàn tay trắng, gia đình anh Dình phải lao động cật lực, tập trung khai hoang làm rẫy, làm ruộng trồng cây lương thực để có cái ăn ổn định cuộc sống. Nhờ siêng năng, cần cù và điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu thuận hòa nên chỉ sau 3 năm, gia đình anh cơ bản đã có đủ cái ăn, cái mặc và bước đầu có tích lũy để tái sản xuất, chăn nuôi. Năm 2003, anh được tín nhiệm làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh của thôn. Hưởng ứng phong trào CCB tham gia phát triển kinh tế giúp nhau xóa đói, giảm nghèo do Hội cấp trên phát động, anh Dình đã tiên phong đi đầu tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi làm kinh tế gia đình. Anh tham gia nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tham quan, học hỏi nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu để ứng dụng vào thực tiễn trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình. Nhờ vậy, kinh tế gia đình anh ngày càng phát triển. Đến nay, ngoài nương rẫy, ruộng vườn, ao cá cho thu nhập ổn định 40-50 triệu đồng/năm (sau khi trừ chi phí), gia đình anh còn phát triển đàn trâu gần 10 con. Anh đã xây dựng được nhà cửa khang trang với nhiều trang thiết bị phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.

Bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế gia đình, với vai trò là Chi hội trưởng CCB của thôn, anh thường xuyên tham gia tích cực trong công tác xây dựng hội, mạnh dạn bàn bạc với hội viên mượn 1 ha đất của xã đầu tư sản xuất gây quỹ hội, bình quân hằng năm cho thu nhập hơn 10 triệu đồng; vận động hội viên đắp hồ nuôi cá cho thu nhập hằng năm 8-10 triệu đồng. Đến nay Chi hội CCB thôn Yang Hăn đã xây dựng được quỹ hội 32 triệu đồng; từ nguồn vốn này cho các hội viên nghèo vay không lấy lãi để phát triển sản xuất, chăn nuôi và đã xóa được 13 hộ hội viên nghèo. Anh còn vận động nhân dân trong thôn góp công, góp của xây dựng 750 mét đường giao thông nội đồng phục vụ sản xuất. Ngoài ra, anh đã bàn bạc với chi hội CCB huy động nhân dân trong thôn  đóng góp hơn 360 triệu đồng để xây dựng 3 công trình nước sạch tự chảy với chiều dài đường ống 3.864 mét, dẫn nước sinh hoạt về tận nhà dân.

Thanh Hòa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.