Multimedia Đọc Báo in

Người mẹ với gánh bắp luộc nuôi 3 con vào đại học

16:23, 25/10/2013

Với nghề bán bắp luộc gần 20 năm nay, chị Nguyễn Thị Nhung (trú ở buôn H’Đớt, xã Ea Kao. TP, Buôn Ma Thuột) đã nuôi 3 con vào giảng đường đại học.

Con đường vào buôn H’Đớt quanh co, lắm đường ngang, ngõ dọc, ấy thế mà khi chúng tôi hỏi gia đình chị Nguyễn Thị Nhung, các bác xe ôm liền nhanh nhảu: “Bà Nhung bán bắp, có đứa con vừa đậu thủ khoa đại học chứ gì?” và nhiệt tình chỉ dẫn cặn kẽ. Ngôi nhà chị Nhung nằm lọt thỏm giữa xóm nhỏ, bên trong hầu như không có tài sản nào giá trị. Chị kể, quê chị ở Quảng Trị. Năm 1992 chị lập gia đình, vợ chồng 2 bàn tay trắng dắt díu nhau vào Tây Nguyên lập nghiệp với hành trang là bản chất chịu thương chịu khó, cần cù chăm chỉ lao động của người miền Trung. Không ruộng rẫy, những ngày đầu anh chị phải đi làm thuê bất cứ công việc gì để mưu sinh qua ngày. Tằn tiện, chắt bóp lắm hai năm sau chị cũng mua được mảnh đất nhỏ trong buôn, gọi là có nơi để “cắm dùi”. Lần lượt những đứa con ra đời khiến cho cuộc sống gia đình thêm khó khăn, chồng chị phải quần quật làm việc ngày đêm, không nề hà bất cứ công việc gì để nuôi vợ con. Khi con gái đầu lên 6 tuổi, có thể trông em, chị bàn tính với chồng, phải kiếm nghề gì đó để nuôi con. Không chữ nghĩa lại không có khiếu buôn bán, chị suy tính “Hay là mình thổi bắp đi bán dạo, kiếm ngày dăm ba chục để nuôi con vậy”! Ấy thế mà cái nghề như có duyên nợ, gắn bó với chị từ năm cậu con trai út mới lên một tuổi, đến nay đã là cậu sinh viên đại học năm thứ nhất. Bất kể ngày mưa nắng, với chiếc xe đạp cọc cạch, mang gánh bắp, chứa đựng trong đó biết bao ấp ủ, kỳ vọng về tương lai của những đứa con như tiếp thêm sức mạnh để đôi chân của chị rảo bước qua khắp nẻo đường thành phố. Chị trải lòng: “Vợ chồng tôi đã thấm thía cái thiệt thòi vì không có chữ, nên dù khổ cực thế nào cũng phải nuôi dạy các con ăn học đến nơi đến chốn, và tôi thường bảo ban các con rằng: ở thời buổi này mà không học hành, không có trình độ, kiến thức thì không làm được gì!”. Khắc ghi lời dạy của mẹ, các con rất chăm ngoan, suốt 12 năm học đều đạt thành tích học tập khá, giỏi. Hiện cô chị cả Nguyễn Thị Thu Nhi đang là sinh viên năm cuối khoa Sư phạm Toán - Đại học Tổng hợp Huế; cậu con trai giữa Nguyễn Quốc Cường là sinh viên năm 2 Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Mới đây, cậu út Nguyễn Cường Quốc đã xuất sắc đậu thủ khoa Trường Đại học Tây Nguyên (Khoa Y) với số điểm 28.

Chị Nguyễn Thị Nhung (bên trái) bán bắp tại khu vực Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Chị Nguyễn Thị Nhung (bên trái) bán bắp tại khu vực Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Hạnh phúc, tự hào về các con, song gánh nặng cơm áo, chi phí cho các con học hành lại đè nặng 2 vai, mọi chi phí học hành đều trông chờ vào gánh bắp cũng như số tiền anh kiếm được từ công việc làm thuê, làm mướn. Chị tiết lộ: “Tất cả chi phí gửi con ăn học một tháng phải hơn 5 triệu đồng, vì vậy, cuốn sổ đỏ gia đình cũng đã cầm cố, lấy tiền cho con ăn học. Thôi thì vợ chồng tui động viên nhau gắng thêm chút nữa, cố làm lụng, trang bị hành trang cho các con là kiến thức để vào đời”. Vậy là kể từ ngày cậu con trai út vào đại học, gánh bắp lại nặng thêm, thời gian chị đi bán cũng nhiều hơn thường ngày, nhưng khi nhắc đến những đứa con, gương mặt chị lại rạng rỡ, ngập tràn hạnh phúc.

Đăng Triều

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.