Multimedia Đọc Báo in

Chồng chạy xe ôm, vợ làm ruộng nuôi hai con học đại học

15:42, 18/05/2014
Gia đình ông Lâm Ngọc Thống và bà Nguyễn Thị Bảy được nhiều người dân khối 9, phường Khánh Xuân (TP.Buôn Ma Thuột) nể phục vì tinh thần vượt khó, nuôi hai con ăn học thành người.

Gia đình ông Thống hiện vẫn đang sống trong căn nhà nhỏ bé, tồi tàn. Gia cảnh nghèo khó, ông Thống không có công ăn việc làm ổn định, phải chạy xe ôm để kiếm tiền nuôi gia đình; bà Bảy làm dăm sào ruộng khoán và đi làm thuê, làm mướn. Khó khăn là vậy song cuộc sống gia đình lúc nào cũng ấm áp, hạnh phúc. Vợ chồng ông Thống, bà Bảy luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con cái ăn học. Bù đắp lại công ơn cha mẹ, hai người con của ông bà là Lâm Mạnh Toàn (SN 1989) và Lâm Thị Hằng (SN 1992) đều chăm học và học rất giỏi.

Bà Nguyễn Thị Bảy trò chuyện với tác giả.
Bà Nguyễn Thị Bảy trò chuyện với tác giả.

Năm 2004, trong một lần đi khám bệnh, bà Bảy được chẩn đoán mắc chứng bệnh u nang buồng trứng, khi ấy người con trai đầu đang chuẩn bị tham dự kỳ thi Olympic môn tiếng Anh quốc gia. Gia đình ông Thống phải vay mượn một khoản tiền lớn để trang trải viện phí. May mắn là sau ca mổ, sức khỏe bà Bảy dần ổn định và sau khi bình phục có thể tiếp tục đi làm mướn. Cũng trong năm đó, gia đình ông Thống nhận niềm vui lớn khi cậu con trai Lâm Mạnh Toàn giành Huy chương Bạc Olympic quốc gia môn tiếng Anh. Là một học sinh giỏi của Trường THPT Chuyên Nguyễn Du, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Toàn quyết định thi vào Học viện Khoa học Quân sự để bố mẹ không phải lo lắng chuyện học phí. Suốt 4 năm đại học, Toàn đều là sinh viên giỏi toàn diện. Em đã được nhà trường kết nạp Đảng và được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ban Giám hiệu nhà trường tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong 4 năm học. Năm 2011, tốt nghiệp đại học, Toàn được phân về làm giảng viên Học viện Lục quân ở Đà Lạt, sau đó trở thành phóng viên Báo Quân đội Nhân dân ở Hà Nội.

Có công ăn việc làm ổn định, Toàn lo chu cấp tiền ăn học cho cô em gái Lâm Thị Hằng đang học tại Đại học Ngoại thương TP.Hồ Chí Minh. Bà Bảy hãnh diện cho biết: “Con cái ngoan ngoãn, học giỏi là niềm hạnh phúc lớn nhất. Vợ chồng tôi không có nhiều tiền để cho các con học thêm, hầu như tất cả kiến thức các con đều học ở lớp, rồi về nhà tự học, anh bày cho em. Cháu Toàn học hành thành tài, có công ăn việc làm ổn định, lại lo chu cấp cho em gái nên 3 năm nay, chúng tôi không phải đôn đáo lo tiền ăn học cho con. Cháu Hằng cũng là sinh viên xuất sắc trong 4 năm học đại học”.

Nguyễn Long


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.