Multimedia Đọc Báo in

Một phụ nữ nhiệt tình với công tác xã hội ở địa phương

09:16, 17/05/2014
Năm 1992, gia đình chị Nguyễn Thị Hương từ quê hương Ứng Hòa (Hà Nội) lập nghiệp tại thôn 6, xã Ea Phê (huyện Krông Pak).
 
Thời gian đầu, dù cuộc sống còn rất nhiều khó khăn nhưng chị vẫn tích cực tham gia công tác phụ nữ ở địa phương. Với sự nhiệt tình, năng động, không lâu sau chị được tín nhiệm làm Chi hội trưởng phụ nữ. Chị đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập, góp phần giúp nhiều chị em thoát nghèo, có cuộc sống ổn định…

Năm 1999, do cuộc sống khó khăn, chị Hương và gia đình chuyển đến thôn 7, xã Ea M’nang (huyện Cư M’gar) sinh sống. Ở vùng đất mới, chị tiếp tục tham gia công tác xã hội ở địa phương. Năm 2001, chị Hương được tín nhiệm làm Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn cho đến nay.

Thôn 7, xã Ea M’nang có 65 hộ gia đình với 350 nhân khẩu, đời sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động bà con tham gia các phong trào thi đua gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vận động bà con hưởng ứng, góp công góp của vào các phong trào, các cuộc vận động. Không ngại khó, chị Hương luôn gần gũi sâu sát với người dân địa phương, tìm mọi cách thuyết phục, vận động bà con chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tham gia nhiệt tình các hoạt động ở địa phương.  Một trong những thành tích nổi bật của chị là vận động nhân dân trong thôn đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn 7, xã Ea M'nang.
Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn 7, xã Ea M'nang.

Trước đây, khi chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng, các đoàn thể, người dân thôn 7 thường sinh hoạt nhờ nhà dân,  thậm chí có nhiều lần phải sinh hoạt tại vườn điều của một gia đình trong thôn. Sau đó, thôn 7 được xã hỗ trợ 43 triệu đồng để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để hoàn thiện thiết chế văn hóa ở địa phương, dù hoàn cảnh gia đình vẫn còn nhiều khó khăn song chị Hương đã bàn với chồng hiến 1.000 m2 đất xây dựng công trình. Tuy nhiên, do mảnh đất của gia đình chị không thuận tiện trong đi lại nên nhiều hộ không đồng ý xây dựng công trình tại đấy. Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, chị tiếp tục vận động gia đình hiến thêm một hàng tiêu với diện tích 720 m2 và vận động thêm hộ có diện tích liền kề hiến đất để mở đường. Với sự kiên trì phân tích, thuyết phục, ý kiến của chị đã nhanh chóng nhận được sự đồng tình hưởng ứng và một con đường mới đã được mở với tổng diện tích 1.420 m2. Dù khó khăn về đi lại đã được giải quyết nhưng một số hộ dân chưa thông suốt, còn tính toán thiệt hơn trong việc đóng góp xây dựng công trình. Với sự nhiệt tình và khả năng thuyết phục của mình, chị Hương đã nhanh chóng thuyết phục được 100 % hộ dân trong thôn tham gia đóng góp. Nhờ vậy mà nhà sinh hoạt cộng đồng thôn nhanh chóng được khởi công và đưa vào sử dụng.

Năng nổ, nhiệt tình với công tác xã hội nên trong những năm qua chị Hương đã nhiều lần được các cấp biểu dương khen thưởng. Năm 2013, chị đã vinh dự được Ủy ban Trung ương MTTQVN tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.