Multimedia Đọc Báo in

Người thanh niên khuyết tật nỗ lực vượt khó thoát nghèo

15:32, 18/05/2014
Do sức khỏe không bảo đảm và kinh tế gia đình khó khăn, nên học đến lớp 8 anh Nay Y B’hơi (SN 1978, ở buôn Đung B, xã Ea Khal, huyện Ea H’leo) phải nghỉ học để lao động phụ giúp gia đình.
 
Sau khi lấy vợ và ra ở riêng, tháng 3-1997 anh được bố mẹ cho hơn 1ha đất rẫy làm vốn sinh sống. Học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình thành công, anh tiến hành quy hoạch rẫy nương bài bản, chuẩn bị đủ nguồn cây giống và đến mùa mưa năm 1998 anh trồng 1.300 cây cà phê. Để có cái ăn trước mắt, trên diện tích đất cà phê chưa khép tán anh cùng vợ trồng xen ngô lai, đậu các loại nhằm kiếm thêm nguồn thu nhập mua phân bón cho rẫy vườn, đồng thời lấy thân cây đậu tủ bồn cà phê để giữ độ ẩm, khi hoai mục còn tăng thêm độ tơi xốp và là nguồn phân hữu cơ cho đất. Nhờ siêng năng, biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên rẫy vườn của anh luôn xanh tốt, ít bị các loại sâu bệnh gây hại. Cuối năm 2002, vào vụ thu chính đầu tiên, hơn 1ha cà phê của gia đình anh cho thu hoạch trên 5 tấn nhân khô. Khi cây trồng bước vào thời kỳ cho quả, không còn lo chạy ăn từng bữa như trước, gia đình anh bắt đầu tích lũy vốn và mua thêm đất, mở rộng diện tích trồng cây cà phê.
Ngôi nhà của gia đình anh Nay Y B'hơi đang được  xây dựng, dự kiến đầu tư hơn 600 triệu đồng.
Ngôi nhà của gia đình anh Nay Y B'hơi đang được xây dựng, dự kiến đầu tư hơn 600 triệu đồng.

Cứ ngỡ cuộc sống sẽ tiếp tục suôn sẻ, nhưng đến năm 2004, do mắc bệnh u xương và đã qua 2 lần phẫu thuật nhưng vẫn không khỏi, bác sĩ đã phải tháo khớp cánh tay trái của anh Nay Y B’hơi đến sát nách để giữ lại mạng sống. Kể từ đây việc lao động cũng như sinh hoạt hằng ngày của anh gặp nhiều khó khăn, bất tiện hơn trước. Biết mình chỉ còn một tay, không có lợi thế như những người lành mạnh khác nên làm việc gì anh cũng cố hết sức, không cam chịu nghèo đói, không ngại khó khăn, vất vả và luôn gánh vác mọi việc nặng nhọc trong gia đình cho vợ con. Anh tâm sự: “Từ bao đời nay ông bà, cha mẹ mình quanh quẩn với cây ngô, lúa rẫy; nếu giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn chứ khó mà làm giàu. Còn cây cà phê tuy giá cả trên thị trường tiêu thụ có lúc thất thường, nhưng so với cây lúa cạn, ngô lai, sắn thì cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Vì vậy mình chọn và quyết tâm thoát nghèo bằng loại cây công nghiệp lâu năm có giá trị này…”. Với suy nghĩ đó, từ một hộ nghèo khó đến nay chàng thanh niên khuyết tật Nay Y B’hơi có gần 3 ha cà phê (trong đó 1,5 ha kinh doanh), mỗi năm cho thu trên 9 tấn nhân khô; 200 trụ tiêu mới trồng năm thứ hai. Và cũng nhờ cây cà phê mà từ năm 2004-2013, sau khi đã trừ các khoản đầu tư, chi phí, gia đình anh Nay Y B’hơi thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Giờ đây gia đình anh đã thoát cảnh nghèo khó, đời sống kinh tế khá giả hơn, mua sắm đầy đủ tiện nghi phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Tháng 2-2014, gia đình anh đã tiến hành thi công xây dựng ngôi nhà ở 100m2, trị giá đầu tư hơn 600 triệu đồng và đang trong giai đoạn hoàn thành.

Ngọc Tài


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.