Multimedia Đọc Báo in

Người Bí thư chi bộ "đa năng"

14:31, 15/07/2014
Mặc dù đảm đương một lúc nhiều chức vụ, nhưng anh Y Ríu Êban (tên thường gọi là Ama Hậu) Bí thư chi bộ buôn Tang Rang,  xã Cư Drăm (huyện Krông Bông) luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và được bà con trong buôn yêu quý gọi thân mật là bí thư chi bộ “đa năng”.
 
Trước đây, buôn Tang Rang là buôn nghèo nhất của xã Cư Drăm. Đa số bà con là người dân tộc Êđê. Năm 2001, được bầu làm Trưởng buôn, Ama Hậu trăn trở phải làm thế nào để giúp bà con trong buôn mau chóng thoát nghèo. Với bản tính nhiệt tình, trách nhiệm, lại là cán bộ khuyến nông của xã, Ama Hậu thường xuyên đến từng gia đình để tư vấn, hướng dẫn bà con cách gieo trồng, chăm sóc, chăn nuôi một cách khoa học, hợp lý, đúng kỹ thuật. Từ 68% hộ nghèo năm 2009, đến nay trong buôn chỉ còn 18,3% hộ nghèo; không còn hộ nào phải ở nhà dột nát; buôn đã được công nhận Buôn Văn hóa. Năm 2012, Ama Hậu được kết nạp vào Đảng. Tháng 4-2014, anh được bầu làm Bí thư Chi bộ buôn Tang Rang. Khi mới nhận công việc, anh không khỏi lo lắng, nhưng với kinh nghiệm trong quá trình làm Trưởng buôn và bản tính ham học hỏi, anh đã xây dựng mối đoàn kết, thống nhất giữa các tổ chức, đoàn thể trong buôn. Do đó, mọi hoạt động của các tổ chức, đoàn thể trong buôn do anh lãnh đạo, điều hành đều rất hiệu quả.
Anh Ama Hậu, Bí thư chi bộ,  Trưởng buôn Tang Rang, xã Cư Drăm.
Anh Ama Hậu, Bí thư chi bộ, Trưởng buôn Tang Rang, xã Cư Drăm.

Ngoài giữ cương vị là Bí thư Chi bộ, Trưởng buôn, hiện nay Ama Hậu còn đảm nhiệm rất nhiều công việc như: cán bộ thủy lợi, cán bộ khuyến nông, thành viên ban kiểm soát HTX nước sạch xã Cư Drăm, kế toán thủy nông, Tổ trưởng vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, đại biểu HĐND xã… Ông Ama Nho, Chủ tịch UBND xã Cư Drăm nhận xét: “Ama Hậu là cán bộ gương mẫu, có năng lực, lại rất nhiệt tình, trách nhiệm. Công việc nào được giao anh cũng hoàn thành tốt, được lãnh đạo và bà con tin yêu”.

Không những hoàn thành tốt công việc xã hội, Ama Hậu còn là một người năng động trong làm kinh tế gia đình. Hai vợ chồng anh làm hơn 1,5 ha cà phê, 2,5 ha đất trồng ngô, 1 ha đất trồng điều và 8 sào ruộng nước; mỗi năm cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn trồng cỏ để nuôi 12 con bò; đào hơn 2.000 m2 ao thả cá; mua máy xay xát, máy xạc ngô, máy cày để phục vụ gia đình và phục vụ bà con trong buôn. Anh tâm sự: “Mình phải sắp xếp công việc thật khoa học mới có thời gian giúp gia đình. Nhiều lúc cũng có ý định xin nghỉ bớt một số công việc vì việc gia đình chỉ có một mình vợ đảm đương, hai đứa con vẫn còn đi học; nhưng cấp trên và bà con trong buôn mong muốn mình tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ. Cũng may vợ luôn hiểu và thông cảm với công việc của mình. Để không phụ lòng tin của mọi người, mình sẽ cố gắng làm thật tốt mọi công việc được giao. Thời gian rảnh sẽ tranh thủ phát triển kinh tế gia đình, lo cho hai đứa con ăn học đến nơi, đến chốn”.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.