Multimedia Đọc Báo in

Người Bí thư Chi bộ "Nói đi đôi với làm"

09:18, 16/12/2014

Ông Hồ Đình Yêu (sinh năm 1945 tại Thanh Hóa) khi vừa tròn 20 tuổi tham gia quân đội vào Sư đoàn 531, Đoàn 559 và 7 năm sau vinh dự được kết nạp Đảng.

Đến tháng 10-1975, ông phục viên trở về địa phương với thương tật 9%. Chưa đầy 3 tháng sau, tháng 1-1976, ông lại cùng vợ và đứa con gái đầu lòng mới gần một tuổi thực hiện cuộc hành trình đi khai hoang kinh tế tại xã Phú Sơn, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). 30 năm vật lộn với vùng đất hoang vu, nắng gió và cảnh nghèo khó không khuất phục được nhiệt huyết, chí tiến công của người lính Bộ đội Cụ Hồ. “Mồ hôi đổ xuống, thành quả theo về”, người lính, đảng viên Hồ Đình Yêu “miệng nói tay làm” đã chứng minh được khả năng làm kinh tế giỏi và năng lực công tác của mình. Các chức danh lần lượt đến với ông: 3 năm làm Bí thư Đoàn xã, 7 năm làm Phó Chủ tịch UBND xã, 11 năm làm Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã. Sau 30 năm vùng đất trống Phú Sơn chuyển mình, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của người cán bộ đảng viên Hồ Đình Yêu.

Năm 2007, khi 3 người con của ông đã trưởng thành, vùng đất Tây Nguyên nơi ông đã đặt chân đến năm xưa lúc còn trong quân ngũ lại thôi thúc ông trở lại. Chia tay Phú Sơn, ông cùng gia đình chuyển vào xã Cư Elang (Ea Kar) sau 2 năm thành lập xã (2005). Ngay từ những ngày đầu định cư tại buôn Ea Rớt, ông được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh của buôn. Năm 2011, ông được bầu làm Bí thư Chi bộ buôn Ea Rớt. Là một trong hai buôn của xã Cư Elang, buôn Ea Rớt có hơn 240 hộ và gần 1.100 nhân khẩu, với 82% số dân là đồng bào Êđê. Với vai trò của người Bí thư Chi bộ, ông Hồ Đình Yêu đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển đảng viên mà nòng cốt là người dân tộc thiểu số tại chỗ. Ông gắn bó mật thiết với đồng bào, với các tổ chức đoàn thể để từ đó tìm nguồn, bồi dưỡng giúp đỡ và đề nghị cấp trên cử đối tượng đi học các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho công tác phát triển đảng viên mới. Trong hai năm 2013-2014, Chi bộ buôn Ea Rớt đã kết nạp thêm 2 đảng viên là người dân tộc thiểu số tại chỗ, nâng tổng số đảng viên của Chi bộ lên 6 đảng viên.

Bên cạnh đó, trước thực trạng đời sống của người dân trong buôn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 87% (năm 2011), Bí thư Chi bộ Hồ Đình Yêu luôn trăn trở tìm ra lời giải để đưa vào Nghị quyết lãnh đạo. Gần như toàn bộ nương rẫy của đồng bào canh tác nằm bên kia những con suối, về mùa mưa nước dâng to, chảy xiết, đến vụ thu hoạch nhiều khi không có đường vận chuyển về nhà. Do vậy, trong năm 2013, Chi bộ tập trung lãnh đạo, vận động nhân dân chung tay xây dựng hai cây cầu xi măng dầm sắt, bắc qua suối có chiều dài 12 m, rộng 3 m với tổng kinh phí gần 245 triệu đồng (nhân dân đóng góp 39 triệu đồng, còn lại chủ yếu đóng góp bằng ngày công và vật liệu tại chỗ). Ông đã cùng Ban tự quản buôn tích cực vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng cầu, bảo đảm vững chắc cho xe cày, xe công nông chuyên chở hàng hóa qua lại. Nhờ đó người dân đỡ khó khăn trong giao thương, việc canh tác được thuận tiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 43% trong năm 2014.

Với những đóng góp của ông, từ năm 2011 đến nay, Chi bộ buôn Ea Rớt đều đạt trong sạch vững mạnh; bản thân ông luôn được quần chúng nhân dân kính trọng, tin yêu bởi lời nói luôn đi đôi với việc làm.

Lê Đình Liệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.