Multimedia Đọc Báo in

"Cô đỡ" của buôn làng

08:57, 04/12/2016

Là cán bộ chuyên trách về chăm sóc sức khỏe sinh sản có tay nghề vững vàng với 21 năm công tác, đỡ nhiều ca sinh “mẹ tròn con vuông”, nữ hộ sinh Hồ Thị Hồng được người dân xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) gọi thân thương là “cô đỡ” của những buôn làng.

Công tác tại Trạm Y tế xã Krông Na từ năm 1995, dù là nữ hộ sinh trung học nhưng khi ấy Trạm còn thiếu nhân lực nên chị Hồng không chỉ phụ trách công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nhân dân trên địa bàn xã mà còn phải kiêm nhiệm nhiều hoạt động khác như: phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống phong, phòng chống mù lòa… Hiểu rõ cuộc sống khó khăn của người dân nơi đây, chị càng quyết tâm giúp đỡ bà con, nhất là những sản phụ nghèo, không có điều kiện đến cơ sở y tế thăm khám và chăm sóc sức khỏe.

Chị Hồ Thị Hồng tư vấn cho phụ nữ đang mang thai.
Chị Hồ Thị Hồng tư vấn cho phụ nữ đang mang thai.

Năm 2002, khi Bệnh viện Đa khoa huyện Buôn Đôn chính thức thành lập, với trình độ và tay nghề vững vàng, nữ hộ sinh Hồ Thị Hồng được cấp trên điều động về công tác tại Khoa sản của Bệnh viện. Nhưng chỉ  3 tháng sau, chị Hồng lại trở về Trạm Y tế xã Krông Na theo đề xuất, kiến nghị của Đảng ủy và nguyện vọng của nhân dân xã Krông Na với lý do: “Cô Hồng là cán bộ sản khoa giỏi của xã Krông Na nên chúng tôi cần cô Hồng ở lại!”.

Quả thật, tình cảm của người dân xã Krông Na càng tăng lên sau những ca đỡ thành công “mẹ tròn con vuông” mà chị Hồng thực hiện. Chị H’Jim Mi Niê (buôn Ea Rông B, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) bày tỏ: “Tôi biết đến cô Hồng qua mẹ và những người chị của mình bởi cô Hồng đã giúp nhiều sản phụ ở Krông Na vượt cạn an toàn. Đến lượt tôi, cả 2 lần sinh đều do cô Hồng đỡ. Sau những lần đỡ đẻ, cô Hồng không chỉ tận tình hướng dẫn sản phụ cách giữ gìn và chăm sóc sức khỏe sau sinh, cho con bú đúng cách, chăm sóc trẻ nhỏ mà cô còn đến tận nhà thăm hỏi, dặn dò những người thân của sản phụ biết cách chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em”.

Không chỉ đảm trách tốt các nhiệm vụ được giao, chị Hồng còn tích cực tuyên truyền giáo dục sức khỏe tại cộng đồng, như thăm hộ gia đình, họp nhóm, tư vấn trực tiếp cho bà con về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, trong các buổi họp Trạm hay giao ban xã, chị Hồng luôn mạnh dạn phát biểu ý kiến, kiến nghị về những vấn đề tồn tại để cấp trên kịp thời nắm bắt và sửa chữa. Từ những nỗ lực không ngừng của mình, năm 2012 và năm 2013, nữ hộ sinh Hồ Thị Hồng đã được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Dân số” và  Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp ngành Y tế” do Bộ Y tế trao tặng. Hằng năm, chị đều được Sở Y tế, các cấp ngành và chính quyền địa phương tặng giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Krông Na là xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 75%, phần lớn người dân còn nghèo, trình độ dân trí thấp, vẫn tồn tại một số phong tục, tập quán lạc hậu. Những năm trước đây, có tới 90% bà mẹ sinh con tại nhà, không có cán bộ y tế đỡ. Tuy nhiên, từ năm 2007 đến nay, nhờ công tác tuyên truyền hiệu quả, người dân đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe sinh sản, hầu hết các sản phụ đều sinh con tại cơ sở y tế hoặc sinh con tại nhà được cán bộ y tế đỡ. 


Hương Xuân – Đình Thi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.