Multimedia Đọc Báo in

Tình hình trật tự ATGT tháng 3: Tai nạn giao thông giảm nhưng chưa bền vững

08:40, 23/03/2012

Trong tháng 3 (từ ngày 15-2 đến 16-3-2012), tình hình trật tự ATGT tiếp tục có những chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng, va chạm giao thông giảm mạnh trên cả 3 tiêu chí, tuy nhiên TNGT rất nghiêm trọng lại tăng cao. Điều này chứng tỏ công tác bảo đảm trật tự ATGT ở tỉnh ta vẫn còn nhiều bất cập, TNGT vẫn chưa thực sự được kiềm chế vững chắc.

Theo thống kê của Phòng CSGT – CA tỉnh, trong tháng 3, TNGT nghiêm trọng xảy ra 10 vụ, làm 10 người chết, 6 người bị thương, giảm 10 vụ (50%), 10 người chết (50%), 5 người bị thương (45,4%) so với tháng 2-2012 và giảm 9 vụ (47,3%), 9 người chết (47,3%), 9 người bị thương (60%) so với cùng kỳ năm 2011. Va chạm giao thông xảy ra 13 vụ, làm bị thương 14 người; giảm 16 vụ (59,4%), 25 người bị thương (60%) so với tháng 2-2012 và giảm 16 vụ (55,2%), 25 người bị thương (64,1%) so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, TNGT rất nghiêm trọng lại tăng cao: tăng 300% số vụ, 600% số người chết, 100% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2011. Hơn nữa, diễn biến của TNGT lại rất khó lường, có 9/15 huyện, thị xã, thành phố xảy ra tai nạn. Một số địa bàn xảy ra tai nạn nhiều gồm: huyện Ea H’leo xảy ra 3 vụ, làm 4 người chết, 1 người bị thương; huyện Krông Năng xảy ra 2 vụ, làm 3 người chết, 3 người bị thương; TP. Buôn Ma Thuột xảy ra 2 vụ, làm 2 người chết…. Tai nạn xảy ra trên tất cả các tuyến đường: Quốc lộ (6 vụ), tỉnh lộ (4 vụ), nông thôn (2 vụ), nội thị (1 vụ). Đối tượng gây tai nạn ở tất cả các độ tuổi: dưới 18 tuổi gây ra 2 vụ, từ 18 đến dưới 27 tuổi gây ra 3 vụ, từ 27 đến 55 tuổi gây ra 6 vụ, trên 55 tuổi gây ra 1 vụ vào hầu hết các khoảng thời gian trong ngày, nhất là từ chiều đến tối. 

Có thể nói, sự diễn biến khá phức tạp của tình hình trật tự ATGT ở tỉnh ta phần lớn là do ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân còn hạn chế. Điều này thể hiện rất rõ qua việc phân tích nguyên nhân của 13 vụ TNGT trên thì hầu hết nguyên nhân tai nạn thuộc về ý thức của người tham gia giao thông: đi không đúng phần đường, làn đường (7 vụ), chuyển hướng không bảo đảm an toàn (2 vụ), vượt sai quy định (1 vụ), không chú ý quan sát (1 vụ), người đi bộ qua đường không bảo đảm an toàn (1 vụ). Bên cạnh đó, qua tuần tra kiểm soát của lực lượng chức năng cho thấy, các hành vi vi phạm thường dẫn tới TNGT vẫn diễn ra khá phổ biến, tiêu biểu là: Chạy quá tốc độ quy định (2.929 trường hợp), đi không đúng phần đường (587 trường hợp), vượt đèn đỏ, đi ngược chiều (510 trường hợp), uống rượu, bia quá nồng độ quy định (60 trường hợp)… Một điều đáng nói nữa là, tình trạng vi phạm vào ban đêm - khoảng thời gian xảy ra hơn 46% số vụ tai nạn trong tháng mà người tham gia giao thông lại khá chủ quan diễn ra còn nhiều. Chỉ qua 32 ca tuần tra kiểm soát trong khoảng thời gian này, lực lượng CSGT đã phát hiện và lập biên bản đến 407 trường hợp vi phạm. Điều đáng quan tâm nữa là trong số rất nhiều các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong tháng có đến 171 trường hợp ở độ tuổi dưới 16. Đây là độ tuổi còn nông nổi, thường có những hành động bộc phát, dễ bị kích động trong khi sự hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ chưa đầy đủ hoặc còn nhiều hạn chế và khả năng kiểm soát tay lái còn thấp, dễ gây ra các vụ va chạm hay TNGT. Điều này cũng phần nào thể hiện sự thiếu quan tâm, buông lỏng quản lý hoặc quá xem nhẹ việc giao xe cho con em mình chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông của các bậc phụ huynh. Ngoài ra, còn nổi lên các hành vi vi phạm khác như: xe khách chở quá số người quy định (130 trường hợp), xe ôtô chở quá trọng tải (391 trường hợp), không xuất trình được giấy phép lái xe (5.662 trường hợp), không đội mũ bảo hiểm (1.688 trường hợp), không chấp hành hiệu lệnh của CSGT (188 trường hợp), lạng lách, đánh võng (6 trường hợp), cản trở người thi hành công vụ (1 trường hợp).

Rõ ràng, việc kéo giảm TNGT ở tỉnh ta vẫn chưa bền vững, các yếu tố làm tăng TNGT trở lại vẫn chưa được giải quyết triệt để và việc phát huy những thành tích đã đạt được trong thời gian tới còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Thiếu tá Ngô Văn Cường, Phó Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh chia sẻ: “Trong thời gian tới, lực lượng CSGT  sẽ tiếp tục đi sâu phân tích nguyên nhân, hạn chế, tồn tại, nhất là nguyên nhân dẫn tới các vụ TNGT, đối tượng, thời gian, địa bàn xảy ra tai nạn; từ đó tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh đề ra các kế hoạch, biện pháp cụ thể để đánh trúng, đánh đúng đối tượng, xử lý các yếu tố, hạn chế các nguyên nhân ảnh hưởng tới tình hình trật tự ATGT. Bên cạnh đó, sẽ tập trung đẩy mạnh quyết liệt các giải pháp cưỡng chế thi hành pháp luật nhằm tác động nhanh, mạnh nhất vào ý thức của người tham gia giao thông để có thể kiềm chế TNGT một cách vững chắc”.

Người tham gia giao thông cần nhớ:

Điều 3 Thông tư 27 /2009/TT-BCA ngày 6-5-2009 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông đường bộ có quy định: “Người tham gia giao thông phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, việc kiểm soát, xử lý vi phạm của cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông.”

2 nhóm hành vi sau đây đều bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng:

- Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ về: các giấy tờ liên quan đến người và phương tiện, điều kiện hoạt động của phương tiện, hoat động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, đào tạo, sát hạch lái xe, đăng kiểm phương tiện,

- Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự hoặc chống lại người thi hành công vụ, xúi giục người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ”.

Thúy Hằng


Ý kiến bạn đọc