Nỗi lo an toàn giao thông học đường
Vào năm học mới, bên cạnh nỗi lo về học phí, sách vở… cho con cái đến trường thì phụ huynh luôn cảm thấy bất an về tai nạn giao thông (TNGT).
Nỗi lo giờ tan trường
Theo thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, năm học 2011-2012 toàn tỉnh có 62 học sinh (HS) liên quan đến các vụ TNGT; 143 em bị phát hiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) thực tế con số này còn lớn hơn rất nhiều, trong đó có 114 em bị xử lý kỷ luật. Năm học 2012-2013, toàn tỉnh có 53 trường THPT, 10 trường Trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng, 15 Trung tâm giáo dục thường xuyên, 14 trường PT DTNT huyện, thành phố và 3 đơn vị trực thuộc khác với gần 500.000 HS, sinh viên, trong đó 1/3 là người dân tộc thiểu số. Tình trạng HS chưa đủ tuổi vẫn điều khiển xe máy phân khối lớn, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, băng qua đường thiếu sự quan sát, đi không đúng nơi quy định... xuất hiện khá nhiều trên các tuyến đường ở bất kỳ thành phố hay vùng sâu, vùng xa. Mặc dù các trường học đều có quy định cấm HS chưa đủ tuổi đi xe máy phân khối lớn đến trường nhưng cấm trong trường thì các em lại gửi xe tại những điểm giữ xe tự phát quanh trường học. Không khó để nhận thấy tại một số bãi giữ xe gần các trường học có khá đông xe máy của HS. Chẳng hạn như dọc Quốc lộ 27, đoạn qua địa bàn huyện Cư Kuin, gần trường THPT Việt Đức từ khá lâu đã có một số điểm giữ xe tự phát gần trường để phục vụ “ thượng đế”… Đi trên đường chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp nhiều trường hợp HS mặc đồng phục nhà trường “vô tư” đi xe máy phân khối lớn chở 3, chở 4, xe không gương chiếu hậu, chạy lạng lách. Tình trạng vi phạm Luật GTĐB không chỉ diễn ra với HS các trường THPT mà còn ở các bậc mầm non, tiểu học như phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi chở trên xe gắn máy, giờ tan trường phụ huynh đón con đậu xe tràn xuống lòng đường, gây ùn tắc giao thông… Theo đánh giá của cơ quan chức năng thì việc vi phạm an toàn giao thông (ATGT) trong giới trẻ nói chung và HS nói riêng một phần do sự quản lý, phối hợp chưa chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình. Nhiều bậc phụ huynh quá nuông chiều con nên vô hình chung đã tạo “điều kiện” cho các em vi phạm ATGT, chẳng hạn như mua sắm hoặc giao xe máy cho con em tới trường khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có bằng lái xe. Mặt khác, sự phối hợp giữa lực lượng chức năng với các trường học trong giáo dục, quản lý, giám sát việc đi lại của HS chưa chặt chẽ khiến tình trạng vi phạm diễn ra khá phổ biến, không chỉ gây nguy hiểm cho chính các em mà còn ảnh hưởng tới những người tham gia giao thông khác…
Công an TP. Buôn Ma Thuột xử lý các hành vi vi phạm Luật GTĐB, trong đó có nhiều trường hợp là học sinh. |
Cần sự chung tay từ nhiều phía
Hằng năm, ngành Giáo dục-Đào tạo và các cơ quan chức năng đều đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT tới 100% trường học. Theo đó, các cơ sở Đoàn trường học luôn xem công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục trong các buổi chào cờ đầu tuần và sinh hoạt lớp cuối tuần. Nhiều hoạt động được triển khai đồng bộ và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực như: ký cam kết không vi phạm các quy định về ATGT cho cán bộ, giáo viên và HS ngay từ đầu năm học; tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa chuyên đề về ATGT; triển lãm tranh, ảnh về tai nạn và hiểm họa giao thông; mở nhiều đợt ra quân xử lý những đối tượng vi phạm Luật GTĐB, trong đó có HS; đối với các trường hợp vi phạm ATGT, cơ quan chức năng thông báo về nhà trường, tùy mức độ vi phạm, nhà trường có biện pháp xử lý, răn đe, giáo dục; đưa chương trình giáo dục TTATGT tích hợp vào các bộ môn chính khóa hoặc hoạt động ngoài giờ lên lớp để giảng dạy; thành lập các tổ chức như Đội cờ đỏ, Ban nề nếp, Ban ATGT cấp trường; phân luồng ra vào, mở cổng phụ, tính giờ tan học lệch nhau và phân khu vực nhà xe để lưu thông hợp lý, tránh ùn tắc, nguy hiểm giờ tan trường; phối hợp với lực lượng chức năng và chính quyền địa phương trong việc giám sát phương tiện đi lại cá nhân của HS khi đến trường và tan học, giải tán các điểm giữ xe trái phép gần khu vực trường để dễ quản lý phương tiện đi lại của HS… Kết thúc năm học 2011-2012, các trường học trên địa bàn đã tổ chức được 411 chuyên đề, hoạt động ngoài giờ lên lớp cho HS; mời công an địa phương giảng dạy, phổ biến Luật GTĐB ở các trường 216 lượt, thu hút trên 86.000 HS tham gia…
Ông Bùi Trọng Hóa, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: “Không thể phủ nhận những việc làm thiết thực của các trường học nhưng trên thực tế các phong trào đó vẫn chưa nhiều, còn mang tính hình thức, chiếu lệ. Vì vậy, thời gian tới để xử lý triệt để tình trạng HS vi phạm Luật GTĐB và hạn chế các vụ TNGT liên quan đến HS thì các bậc phụ huynh không nên cho con em đi xe máy phân khối lớn đến trường khi chưa đủ tuổi. Các đơn vị giáo dục nên phối hợp chặt chẽ với Ban ATGT các cấp và cơ quan chức năng và phụ huynh để tuyên truyền, giáo dục Luật GTĐB cho các em, quan tâm hơn đến hoạt động ngoài nhà trường, giáo dục, quản lý các em nghiêm ngặt hơn. Bên cạnh đó, lực lượng công an cần tăng cường tuần tra những nơi gần trường học, nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm Luật Giao thông, đặc biệt là các cháu chưa đủ tuổi vẫn đi xe máy, lạng lách, đánh võng...
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc