Multimedia Đọc Báo in

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

13:45, 27/10/2012

Krông Bông là một huyện nghèo, kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập nên công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) ở đây luôn gặp khó khăn. Cùng với đó, số lượng phương tiện tham gia giao thông lại ngày càng tăng nhanh, nhất là ở địa bàn các xã vùng sâu vùng xa, nơi mà ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ của người dân còn rất hạn chế, đã khiến tình hình tai nạn giao thông (TNGT) ngày càng diễn biến phức tạp…

Thực trạng vi phạm các quy định về ATGT đang ngày càng xảy ra phổ biến ở các địa bàn có người dân tộc thiểu số sinh sống, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc Mông di cư từ phía Bắc vào như: Cư Đrăm, Cư Pui, Hòa Phong… Theo thống kê của Ban ATGT huyện Krông Bông, trong năm 2011, chỉ riêng trong khu vực dân di cư tự do sinh sống đã xảy ra 24 vụ TNGT và hàng chục vụ va quệt giữa xe mô tô, xe máy. Riêng 8 tháng đầu năm 2012 đã xảy ra 13 vụ TNGT, làm chết 3 người, bị thương 8 người, hư hỏng 26 xe máy. Nguyên nhân xảy ra TNGT chủ yếu do người điều khiển phương tiện giao thông thiếu quan sát, đi sai phần đường và tránh, vượt sai quy định… Nhìn chung là do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện giao thông như: không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, không mang giấy tờ xe khi tham gia giao thông, không có bảo hiểm xe máy, chở quá số người quy định, trẻ vị thành niên điều khiển xe gắn máy…

Theo thống kê sơ bộ của Công an huyện Krông Bông, vào thời điểm đầu năm 2012, chỉ riêng ở 12 thôn đồng bào Mông thuộc 3 xã Cư Đrăm, Cư Pui, Hòa Phong đã có tới gần 2.000 chiếc mô tô, xe máy, chưa kể số lượng lớn xe công nông phục vụ cho việc vận chuyển nông sản. Phương tiện giao thông tăng nhiều, ngược lại, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn lại xuống cấp, đường quanh co, nhiều đèo dốc, tầm nhìn hẹp…. Cùng với đó, nhận thức cũng như hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ của phần lớn đồng bào dân tộc Mông vẫn còn nhiều hạn chế nên nguy cơ tiềm ẩn TNGT luôn là những thách thức đối với công tác bảo đảm ATGT ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào di cư tự do.

Với thói quen quấn khăn trên đầu, phụ nữ Mông rất ít khi đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe máy. Trong ảnh: Phụ nữ Mông xuống chợ Cư Đrăm buôn bán
Với thói quen quấn khăn trên đầu, phụ nữ Mông rất ít khi đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe máy. Trong ảnh: Phụ nữ Mông xuống chợ Cư Đrăm buôn bán

Ông Trịnh Văn Hùng, Trưởng Công an xã Cư Đrăm cho biết, tâm lý người dân ở đây luôn nghĩ rằng là vùng sâu vùng xa nên ý thức chấp hành pháp luật về ATGT rất kém. Và thực tế cũng cho thấy, vì lực lượng Cảnh sát giao thông huyện quá mỏng, ít có điều kiện vào tuần tra kiểm soát ở các thôn người Mông nên người dân không biết sợ. Còn đối với lực lượng công an xã, vì không có quyền hạn xử phạt nên cũng đành chịu trước tình hình vi phạm luật ngày càng diễn ra khá phức tạp trên địa bàn.

Theo ông Hùng thì lỗi phổ biến nhất của người điều khiển phương tiện giao thông ở đây là không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe và uống rượu, bia, chở quá số người quy định… Ông Hùng phân tích: Theo tập tục của người Mông thì phụ nữ khi đi ra đường thường quấn một lớp khăn rất dày trên đầu nên không còn có… chỗ để đội mũ bảo hiểm. Vào mỗi phiên chợ, người đàn ông Mông thường chở vợ con đi chợ. Trong khi đợi vợ con mua bán, còn các ông chồng tranh thủ vào quán nhậu. Khi tan chợ thì cũng là lúc rượu ngấm vào người, lúc này các ông mới chở vợ con về… Trên địa bàn Cư Đrăm đã xảy ra nhiều vụ TNGT đáng tiếc cũng chỉ vì chồng đợi vợ đi chợ đến… say mới điều khiển phương tiện.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, phần lớn đồng bào dân tộc Mông ở Krông Bông đều chưa được cấp giấy phép lái xe, mặc dù hầu như nhà nào cũng sắm sẵn phương tiện. Chỉ riêng trên địa bàn thôn Yang Hanh (xã Cư Đrăm) chỉ có 73 hộ nhưng đã có hơn 100 xe mô tô, xe máy. Trong số chủ phương tiện này thì có đến 70% không có giấy phép lái xe. Tương tự như Yang Hanh, 6 thôn đồng bào dân tộc  Mông với gần 1.000 hộ ở khu vực Ea Lang (xã Cư Pui) cũng gần như “mù” về Luật Giao thông đường bộ. Ông  Vàng Quốc Tuyên, một người dân ở đây cho biết, nhiều người dân trong thôn bản thân bị mù chữ thì làm sao hiểu biết được Luật giao thông. Cũng bởi “mù” về luật nên mọi người gần như bất chấp, có tiền là mua sắm xe, có xe là chạy, thậm chí nhiều thanh niên còn chở 3, chở 4 lạng lách đánh võng, vô cùng nguy hiểm. Nguy hiểm hơn nữa là tình trạng xe máy cũ được độ chế lại, thay đổi thiết kế để phục vụ việc vận chuyển nông sản cũng như chở gỗ.  Ông Mã Thế Hưng, một người dân ở Ea Lang bức xúc: Nhiều thanh niên trong vùng đã độ chế, thay đổi thiết kế khung, sườn những chiếc xe máy cũ để chở gỗ, chở nông sản và tham gia giao thông trên các tuyến đường. Xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật nên việc lưu thông trên đường vô cùng nguy hiểm. Nhiều người dân chúng tôi rất bức xúc, nhưng cũng đành chịu, thấy “nó” là nép vào lề cho an toàn…

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá  Đặng Vui, Phó trưởng Công an huyện Krông Bông cũng thẳng thắn nhìn nhận nguy cơ mất an toàn giao thông trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là trong vùng đồng bào Mông. Ông Vui cho biết, công an huyện cũng thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát ở các tuyến đường vùng sâu, vùng xa, với mục đích là vừa kiểm soát vừa tuyên truyền pháp luật về ATGT. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, trong khi đó địa bàn quá xa và rộng nên khó kiểm soát hết được.

Để kiềm chế, giảm thiểu TNGT, theo ông Vui, cùng với vai trò, trách nhiệm của lực lượng công an, Ban ATGT huyện, các địa phương cần chủ động và đẩy mạnh hơn nữa trong công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền "Nói không với rượu, bia khi tham gia giao thông" và "Phụ nữ người Mông bỏ khăn quấn đầu, đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy xuống chợ"… Cùng với đó, công an huyện sẽ quyết liệt kiểm tra, kiên quyết loại bỏ không cho sử dụng các xe mô tô cũ nát, hết hạn sử dụng, các loại phương tiện tự chế không được phép lưu thông trên đường.

Cùng với những giải pháp mà Công an huyện đề ra, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe ở vùng sâu vùng xa, bởi qua đó, việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về ATGT đường bộ mới dễ đến được với nhiều người hơn, khắc phục tình trạng “mù” về luật, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT như hiện nay.

Việt Hoàng


Ý kiến bạn đọc