Ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông
Hằng ngày, khi tham gia giao thông ta vẫn thường bắt gặp những hành vi không đẹp như: phóng nhanh, vượt ẩu, rồ ga, nẹt bô, chạy ngược chiều, vượt đèn đỏ… không chỉ gây phản cảm mà còn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông.
Trong một lần nói chuyện về cảnh quan Buôn Ma Thuột, một nhà giáo ưu tú gắn bó với vùng đất Dak Lak hơn 50 năm tiếc nuối: thành phố trẻ Buôn Ma Thuột đẹp nhưng mà chưa đẹp! Ông lý giải, trong suốt quá trình xây dựng, chỉnh trang, Buôn Ma Thuột vẫn giữ được sự thân thiện, gần gũi với thiên nhiên, nhưng cũng thật đáng buồn khi vẫn còn nhiều người tham gia giao thông chưa chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Ấn tượng về một thành phố văn minh, hiện đại không chỉ thể hiện ở mặt kiến trúc, mà còn là hình ảnh người dân ứng xử nơi công cộng, ý thức trong tham gia giao thông cũng là thể hiện ý thức đối với xã hội…
Mặc dù đèn tín hiệu giao thông đang màu đỏ, nhưng người phụ nữ này vẫn cố vượt (Ảnh chụp tại ngã rẽ đường Y Moan Ênuôl và Phan Chu Trinh lúc 7 giờ ngày 4-4-2013). |
Trên một số tuyến đường tại TP. Buôn Ma Thuột vào mỗi buổi sáng sớm, đa số người đi xe máy chở hàng theo hướng Km 3 về hướng Trung tâm ngã 6 đều vượt đèn đỏ, và đã xảy ra va quệt với người đi bộ sang đường từ dải phân cách dành cho người đi bộ. Không ít xe lôi (xe gắn máy gắn thêm thùng kéo hàng phía sau) chạy nghênh ngang giữa đường (đây là loại xe bị cấm lưu hành theo Nghị định 32 của Chính phủ), vô tư chở hàng cùng người ngồi phía trên, choán mặt đường. Chưa kể, nhiều người tham gia giao thông có nồng độ cồn quá mức cho phép, không làm chủ tốc độ, phần đường, nên dù có đội mũ bảo hiểm cũng không thể bảo đảm an toàn cho bản thân và người đi đường. Theo thống kê: 3 tháng đầu năm 2013 đã xảy ra 190 vụ tai nạn giao thông, làm 89 người chết, 201 người bị thương; có những vụ đặc biệt nghiêm trọng làm chết tại chỗ nhiều người. Đây không hẳn chỉ là những con số, mà đằng sau đó là những phận đời, phận người: con mất cha, vợ mất chồng, anh mất em… tang thương đau xót cho nhiều gia đình. Để hạn chế thấp nhất các vụ TNGT, hơn lúc nào hết, mỗi người khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, điều trước tiên phải luôn nghĩ đến trách nhiệm của mình đối với bản thân và với xã hội.
Thiết nghĩ, ngoài những biện pháp mà các ngành chức năng đã và đang thực hiện thì việc thường xuyên tuyên truyền những nội dung yêu cầu bắt buộc chấp hành luật giao thông đối với người tham gia giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là mạng lưới truyền thanh cơ sở (thôn, buôn, khối phố) là rất cần thiết, bởi “mưa dầm thấm lâu” (cùng một nội dung, nếu được nhắc đi nhắc lại nhiều lần ắt sẽ đọng lại cho người nghe); đồng thời huy động sự vào cuộc của toàn xã hội, các cấp, các ngành, cơ quan, trường học trong công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến về ý thức chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ một cách nghiêm túc, trên cơ sở đó từng bước xây dựng thái độ ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông trong mỗi người dân.
Hoa Nguyên
Ý kiến bạn đọc