Multimedia Đọc Báo in

Tuyên truyền an toàn giao thông bằng hình thức sân khấu hóa: Hấp dẫn và hiệu quả

14:41, 30/03/2014

Hội thi “Tuổi trẻ học đường với văn hóa giao thông” do Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tổ chức ngày 25-3 vừa qua đã khép lại nhưng dư âm vẫn còn đọng lại trong mỗi thí sinh, mỗi khán giả tham dự Hội thi hôm ấy...

Hội thi có sự góp mặt của 10 đội đến từ 10 tổ chức cơ sở Đoàn trường: Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh, Trung cấp Dak Lak, Phổ thông dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng, Trung cấp Y tế, Phổ thông dân tộc nội trú Tây Nguyên Tây Nguyên, THPT Chuyên Nguyễn Du, Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Dak Lak, Trung cấp Sư phạm mầm non, Cao đẳng Nghề Dak Lak và Trung cấp Kinh tế – kỹ thuật Dak Lak. Đây cũng là một hoạt động thiết thực kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Trong suốt một ngày diễn ra Hội thi, hội trường Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak – địa điểm diễn ra Hội thi luôn chật kín chỗ ngồi và luôn sôi động với sự tham gia cổ vũ nhiệt tình của các cổ động viên. 10 đội tuyển đến từ 10 đoàn trường đã thể hiện rõ sự đầu tư, chuẩn bị công phu khi đến với hội thi này. Ở phần thi kiến thức, với trên 90% câu hỏi các đội tuyển trả lời đúng đã cho thấy thái độ nghiên cứu, học tập nghiêm túc. Các bạn thí sinh tâm sự rằng, học không chỉ để so tài thi thố mà quan trọng hơn, học về luật giao thông không bao giờ là thừa, chỉ có lợi, giúp nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm các quy định để bảo đảm an toàn cho mình và mọi người khi tham gia giao thông.

Một tiết mục dự thi tại Hội thi “Tuổi trẻ học đường với văn hóa giao thông"

Nhưng có lẽ để lại nhiều ấn tượng nhất với ban giám khảo cũng như các cổ động viên chính là các phần thi chào hỏi và tiểu phẩm được thể hiện bằng hình thức sân khấu hóa. Những nội dung, quy định, điều khoản của Luật Giao thông đường bộ được các đội thi lồng ghép, cụ thể hóa và tuyên truyền một cách sinh động và hấp dẫn. Với tiểu phẩm “An toàn giao thông: Nỗi lo của mọi người” của Đoàn Trường THPT Chuyên Nguyễn Du, khán giả có những trận cười thỏa thích bởi cách diễn xuất dí dỏm, chất phác nhưng cũng có những phút bất ngờ, xúc động khi nhân vật cậu con trai ăn chơi đua đòi, theo bạn đua xe đã nhận ra lỗi lầm và tỉnh ngộ sau vụ đâm xe, gây ra tai nạn với chính người mẹ của mình. Thông điệp: ý thức và lương tâm của người điều khiển xe, được đề cập, chuyển tải một cách sâu sắc. Truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh so tài để được kết duyên với Mị Nương cũng được các bạn học sinh đến từ Trường Phổ thông dân tộc nội trú Tây Nguyên chuyển thể và xây dựng khéo léo. Trong tiểu phẩm này, giữa Sơn Tinh, Thủy Tinh không phải là cuộc so tài hô mưa, gọi gió, dời non, lấp biển mà là cuộc thi tài hiểu biết về luật giao thông. Phóng nhanh, vượt ẩu, đua xe, lạng lách, đánh võng là những hành vi vi phạm chủ yếu của giới trẻ khi tham gia giao thông cũng trở thành đề tài chủ yếu được các đội dự thi khai thác, thể hiện, lên án. Trong tiểu phẩm do Đoàn Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak thể hiện, bối cảnh một buổi thiết triều của Diêm vương địa phủ để làm rõ cái chết của 3 mạng người là 3 chàng trai trẻ đã cho thấy những hậu quả khôn lường của rượu bia, không làm chủ tốc độ khi lái xe. Lời hứa qua tiểu phẩm của Đoàn Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Dak Lak: “Lần đầu... lần cuối” cũng là mong mỏi của các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo cũng như những lực lượng chức năng khi nhiều bạn trẻ, không riêng nam mà cả nữ, thích thể hiện sự iêng hùng của mình với trò đi bay – đua xe.

Trong hầu hết phần dự thi của các đội, tiếng cười là chủ đạo và đã làm nên sự hấp dẫn, cuốn hút từ các tiểu phẩm. Nhưng hiệu quả là ở chỗ, đằng sau tiếng cười ấy, khán giả vẫn nhận rõ thông điệp được chuyển tải: An toàn giao thông là không tai nạn; văn hóa giao thông không phải là cái gì quá cao vời, mà đơn giản từ ý thức, thái độ chấp hành các quy tắc khi tham gia giao thông của mỗi người. Sự quan tâm, theo dõi, “sống” cùng các nhân vật trong mỗi tiểu phẩm đã được trả lời bằng những tràng pháo tay, reo hò, cổ vũ nhiệt tình của khán giả và các cổ động viên.

Trong nhiều giải pháp để giảm thiểu tai nạn giao thông, tuyên truyền luôn được coi là biện pháp quan trọng, đóng vai trò xuyên suốt. Từ hội thi này, thiết nghĩ, trong tuyên truyền thì tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa thực sự có sức hút đặc biệt: nhẹ nhàng mà sâu sắc, hấp dẫn và hiệu quả, nhất là với đối tượng tham gia là các bạn trẻ.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.