Multimedia Đọc Báo in

Giải pháp hữu hiệu giảm thiểu tai nạn giao thông từ xe máy cày

08:38, 27/07/2014
Dak Lak là tỉnh có nhiều xe máy cày nhất khu vực Tây Nguyên, với khoảng 70.000 chiếc, nhưng hiện chỉ có gần 50.000 chiếc được đăng ký, đăng kiểm.
 
Qua khảo sát có tới 97% số người điều khiển máy kéo nhỏ chưa qua đào tạo cấp giấy phép lái xe (GPLX) hạng A4. Trước thực trạng đó, Sở Giao thông Vận tải, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh và các ngành liên quan triển khai nhiều biện pháp để quản lý và hạn chế xe máy cày, tuy nhiên tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều.
 
Cuối năm 2013, Ủy ban ATGT Quốc gia đồng ý cho tỉnh Dak Lak tổ chức thí điểm đào tạo GPLX hạng A4 cho các đối tượng lái xe máy cày với kinh phí hỗ trợ là 500 triệu đồng, trích từ nguồn kinh phí của Ủy ban ATGT Quốc gia. Trung tâm đào tạo nghề tại Dak Lak thuộc Trường Cao đẳng nghề số 5 – Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ chọn địa điểm hợp lý, thuận lợi cho người học tại các huyện để mở lớp đào tạo. Trong đợt đào tạo thí điểm này, 5 huyện: Ea Súp, M’Drak, Lak, Krông Bông, Buôn Đôn, mỗi huyện chọn 100 người có hoàn cảnh khó khăn để được học GPLX hạng A4 miễn phí, theo chương trình chỉ đạo của Ủy ban ATGT Quốc gia. Sau thời gian tích cực chuẩn bị về nhân lực và cơ sở vật chất, tháng 11-2013 khóa học lái xe máy cày đầu tiên chính thức khai giảng với thời gian đào tạo là 15 ngày, bao gồm các bộ môn: Đào tạo về pháp luật giao thông đường bộ; cấu tạo sửa chữa thông thường; nghiệp vụ vận tải; kỹ thuật lái; thực hành lái xe.
Các thí sinh rất tự tin trong kỳ thi sát hạch.
Các thí sinh rất tự tin trong kỳ thi sát hạch.

Đại úy Võ Văn Thiên, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề tại Dak Lak cho biết: “Hiện nay lượng học viên đăng ký đào tạo lái xe máy cày khá đông. Để đáp ứng nhu cầu của người học, Trung tâm đã khai giảng liên tục được 10 khóa với 1.050 học viên tham gia. Đối tượng học viên rất đa dạng về thành phần, lứa tuổi, giới tính. Nhiều em sinh viên nhà có xe máy cày cũng tranh thủ học lấy giấy phép, phòng khi cần đến. Mới đây nhất, 57 cán bộ thuộc lực lượng Cảnh sát giao thông của tỉnh cũng được cử đến Trung tâm để đào tạo lái xe máy cày, nhằm thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ sau này. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông, 6 tháng đầu năm nay, tai nạn giao thông liên quan đến xe máy cày ở 5 huyện được Trung tâm đào tạo thí điểm đã giảm rất nhiều…”.

Anh Trương Quang An (xã Pơng Đrang, huyện Krông Buk) đã tham gia khóa đào tạo lái xe máy cày phấn khởi nói: “Tôi biết lái máy cày cả chục năm nay, nhưng vì chưa có giấy phép nên mỗi lần ra đường luôn phấp phỏng sợ bị công an thổi phạt. Bây giờ có giấy phép rồi, không những yên tâm hơn mà còn hiểu Luật Giao thông, biết sửa chữa những hỏng hóc thông thường nữa. Xã tôi có 8 người đi học, mấy anh em thuê 2 phòng trọ ở gần trường để tiện đi lại”. Còn anh Nguyễn Văn Hiền (xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) bộc bạch: “ Tôi đang chuẩn bị nộp hồ sơ đăng ký học lái máy cày. Từ nhà tôi đến rẫy cà phê phải đi theo tuyến Quốc lộ 14. Vào sáng sớm hay chiều tối mỗi ngày có khá nhiều phương tiện lưu thông trên tuyến đường này. Dù chưa có GPLX nhưng trong nhiều năm qua tôi vẫn phải sử dụng xe công nông chứ không có phương tiện nào thay thế.  Bây giờ được đi học, đào tạo bài bản thì yên tâm rồi…”.

Việt Hùng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.