Multimedia Đọc Báo in

Hiểm họa từ việc tàng trữ vũ khí trái phép

11:26, 07/10/2011

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ án mạng chết người liên quan đến việc tàng trữ vũ khí quân dụng, vũ khí tự chế trái phép gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh - trật tự và tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Những vụ, việc này thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc cần phải siết chặt, tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ của các cơ quan chức năng.

Vụ tai nạn gây chết người mới đây nhất liên quan đến việc sử dụng vũ khí tự chế xảy ra trên địa bàn huyện Krông Bông, vào ngày 26-7-2011. Đó là: ngày 18-7 Ma Dì Hòa (SN 1978, trú tại thôn 7, xã Cư San, huyện M’Drak) cùng Thào A Hạ (SN 1987) và 06 người khác đều trú ở thôn Ea Ba, xã Cư Pui, huyện Krông Bông đi vào Vườn Quốc gia Cư Yang Sin, thuộc địa bàn huyện Krông Bông, tìm lan đá và săn thú rừng. Khi đi, Ma Dì Hòa mang theo 1 khẩu súng kíp tự chế. Khoảng 4 giờ sáng ngày 26-7-2011, trong lúc đi săn, do trời tối không phân biệt rõ người, động vật nên Ma Dì Hoà đã bắn nhầm Thào A Hạ, khiến Thào A Hạ tử vong ngay tại chỗ. Trước đó, ngày 20-7-2010 trên địa bàn huyện Lak cũng xảy ra một tai nạn thương tâm khác, làm cháu Thái Văn Tuấn chết tại chỗ. Khoảng 15 giờ ngày 20-7, trong khi 2 cháu Phan Phúc Đức và Thái Văn Tuấn chơi bắn bi tại nhà bà Bùi Thị Xuân thì thấy 1 khẩu súng quân dụng do bà Xuân vừa phát hiện được trong khi làm cỏ ngô, chưa kịp đem giao nộp cho cơ quan chức năng đã lấy ra đùa giỡn. Hậu quả cháu Thái Văn Tuấn bị trúng đạn vào đầu, chết ngay tại chỗ.

Điều đáng lo ngại là các loại vũ khí này lại được một số đối tượng sử dụng vào mục đích nguy hiểm: giải quyết mâu thuẫn và chống lại những người thi hành công vụ. Điển hình như vụ án xảy ra trên địa bàn xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) vào tháng 9-2010. Ngày 6-9, đối tượng Phạm Hoàng Nhật (SN 1989) cùng các tên Lại Văn Toàn (SN 1991), Trần Huy Trường (SN 1994), Lại Văn Nguyên (SN 1994) cùng trú tại thôn 8, xã Hoà Thuận đến tiệm cầm đồ của anh Nguyễn Thành Tuấn (SN 1982, trú tại thôn 5) để chuộc xe đã cầm cố. Do chưa đủ tiền, anh Tuấn không cho chuộc xe và nảy sinh mâu thuẫn. Trong lúc hai bên xảy ra mâu thuẫn, xô xát thì tên Nhật bất ngờ rút một khẩu súng, loại K59 bắn thẳng vào nhà anh Tuấn. Rất may anh Tuấn không bị thương vong. Ngay sau đó, các tên này đã bị Công an TP. Buôn Ma Thuột bắt giữ, điều tra. Còn vụ việc dùng súng tự chế để chống người thi hành công vụ xảy ra ngày 15-7-2008, làm anh Vương Thế Cao, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 2 thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô bị trọng thương. Theo tường thuật, trong quá trình tuần tra tại Tiểu khu 632 giáp ranh với huyện Krông Năng, anh Cao cùng 4 cán bộ khác của trạm phát hiện một nhóm gồm 4 người đang vận chuyển trái phép một súc gỗ lớn ra khỏi rừng. Khi bị yêu cầu xuất trình giấy tờ liên quan,  nhóm người này không những không chấp hành mà còn tỏ thái độ chống đối, buộc các anh phải đưa tang vật về trạm chờ xử lý. Cũng ngay trong ngày, hàng chục người dân ở làng Giang Đông, xã Ea Sa kéo đến gây áp lực, đe dọa tổ kiểm lâm, cướp tang vật nhằm mục đích tẩu tán. Đến khoảng 21 giờ ngày 15-7, Trạm kiểm lâm số 2 liên tục bị một số kẻ giấu mặt ném đá. Khi cùng 2 cán bộ kiểm lâm khác ra cửa trạm để xem xét sự việc thì anh Cao bị bắn gục tại chỗ. Theo kết quả khám nghiệm anh Cao bị bắn do súng tự chế bằng đạn ria. Đối tượng bắn anh Cao là Hờ Sình đã ra đầu thú, giao nộp khẩu súng gây án.

Những vụ việc xảy ra ở trên cho thấy công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ hiện còn gặp không ít khó khăn, phức tạp. Theo thống kê, trong thời gian qua cơ quan công an các cấp đã vận động, thu hồi được 3.060 khẩu súng các loại, trong đó súng săn là 2.092 khẩu, súng quân dụng 669 khẩu, súng thể thao 79 khẩu, thu 5.220 viên đạn, hơn 800kg thuốc nổ và 231 quả lựu đạn, 44 quả mìn. Trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 40 vụ buôn bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; 81 vụ dùng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để gây án, làm chết 15 người, bị thương 70 người. Vũ khí, vật liệu nổ cũng đã gây ra 34 vụ tai nạn, làm chết 35 người, bị thương 30 người; cơ quan chức năng đã truy tố 36 vụ, bắt 56 đối tượng. Ngoài việc thu hồi nhiều súng quân dụng, súng săn, súng tự chế, súng thể thao, cơ quan chức năng cũng đã tịch thu nhiều dao găm, kiếm mác, công cụ hỗ trợ, thuốc nổ và mìn tự tạo. Dù số vụ việc xảy ra liên quan đến việc tàng trữ vũ khí trái phép đã phần nào được kiểm soát, song tình trạng mua bán, sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí tự chế vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh - trật tự (do số vũ khí này vẫn chưa được thu hồi triệt để). Nguyên nhân chính một phần là do ý thức tự giác của một bộ phận người dân còn hạn chế, không tự giác giao nộp cho các cơ quan chức năng. Dẫu biết rõ các loại súng quân dụng cũng như súng săn, súng hơi, súng tự chế là vũ khí nằm trong danh mục bị nghiêm cấm sử dụng, mua bán cũng như tàng trữ trái phép theo Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, song thực tế vẫn còn không ít một bộ phận người dân (chủ yếu nằm trong độ tuổi thanh niên, hoặc những đối tượng có tiền án, tiền sự) cố tình lén lút cất giữ, sử dụng vào những mục đích khác nhau. Theo H-một “đại gia” ở TP. Buôn Ma Thuột vốn nổi tiếng về săn bắn thì không khó để có thể sở hữu một khẩu súng hơi loại 7kg, 9kg, 12 kg chỉ với mức tiền từ 3 triệu đến 20 triệu đồng, tùy theo nhãn, mác, cũ mới. Còn đối với những loại súng thể thao như Calíp, hiện cũng được nhiều dân “ghiền” săn bắn thú lớn sở hữu; dù “thú vui” này khá tốn kém, bởi một viên đạn có giá lên đến 80.000 đồng, và cũng không phải dễ mua nếu người chơi không biết địa điểm và được người bán quen mặt, tín nhiệm. Những người đang sở hữu các loại vũ khí trái phép đều nhận thức được hành vi tàng trữ, sử dụng là vi phạm pháp luật, bị nghiêm cấm, nhưng thường ngụy biện bằng nhiều lý do, như: “chỉ sử dụng đi săn bắn”, “làm vũ khí phòng thân, bảo vệ nương rẫy”… mà không thể lường trước những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình sử dụng.

Thiết nghĩ: để phòng ngừa những vụ tai nạn thương tâm xảy ra cũng như những án mạng liên quan đến việc sử dụng vũ khí trái phép, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường siết chặt công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tăng cường tuần tra, kiểm soát, bám nắm địa bàn, nhất là các địa bàn trọng điểm, phát hiện, thu hồi các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ. Bên cạnh đó, các cấp, ngành cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động những người đang tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ… tự giác giao nộp cho cơ quan chức năng.

Đăng Triều

Ý kiến bạn đọc