Các quy định của pháp luật về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Tiếp theo và hết)
Hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về bồi thường cây trồng khi Nhà nước thu hồi đất?
Trả lời: Tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều 24 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP, ngày 3-12-2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Điều 12 Thông tư số 14/2009/TT-BTNMT ngày 1-10-2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, quy định như sau:
1. Mức bồi thường đối với cây hàng năm bằng giá trị sản lượng thu hoạch của 1 vụ thu hoạch. Giá trị sản lượng của 1 vụ thu hoạch được tính theo năng suất cao nhất trong 3 năm trước liền kề của cây trồng chính tại địa phương theo thời giá trung bình của nông sản cùng loại ở địa phương tại thời điểm thu hồi đất.
2. Cây lâu năm bao gồm cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lấy gỗ, lấy lá, cây rừng (theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định số 74-CP ngày 25-10-1993), khi Nhà nước thu hồi được bồi thường theo giá trị hiện có của vườn cây. Giá trị hiện có của vườn cây lâu năm để tính bồi thường được xác định như sau:
- Cây trồng đang ở chu kỳ đầu tư hoặc đang ở thời gian xây dựng cơ bản thì giá trị hiện có của vườn cây là toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu và chi phí chăm sóc đến thời điểm thu hồi đất tính thành tiền theo thời giá tại thị trường địa phương;
- Cây lâu năm là loại thu hoạch 1 lần (cây lấy gỗ) đang ở trong thời kỳ thu hoạch thì giá trị hiện có của vườn cây được tính bồi thường bằng số lượng từng loại cây trồng nhân với giá bán 1 cây tương ứng cùng loại, cùng độ tuổi, cùng kích thước hoặc có cùng khả năng cho sản phẩm ở thị trường địa phương tại thời điểm bồi thường trừ đi giá trị thu hồi (nếu có);
- Cây lâu năm là loại thu hoạch nhiều lần (như cây ăn quả, cây lấy dầu, nhựa...) đang ở trong thời kỳ thu hoạch thì giá trị hiện có của vườn cây được tính bồi thường là giá bán vườn cây ở thị trường địa phương tại thời điểm bồi thường trừ đi giá trị thu hồi (nếu có);
- Cây lâu năm đã đến thời hạn thanh lý thì chỉ bồi thường chi phí chặt hạ cho chủ sở hữu vườn cây.
Chi phí đầu tư ban đầu, chi phí chăm sóc, chi phí chặt hạ được tính thành tiền theo mức chi phí trung bình tại địa phương do UBND cấp tỉnh quy định cụ thể đối với từng loại cây.
3. Đối với cây trồng và lâm sản phụ trồng trên diện tích đất lâm nghiệp do Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân để trồng, khoanh nuôi, bảo vệ, tái sinh rừng, mà khi giao là đất trống, đồi núi trọc, hộ gia đình, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư trồng rừng thì được bồi thường theo giá bán cây rừng chặt hạ tại cửa rừng cùng loại ở địa phương tại thời điểm có quyết định thu hồi đất trừ đi giá trị thu hồi (nếu có).
4. Đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cây rừng tự nhiên giao cho các tổ chức, hộ gia đình trồng, quản lý chăm sóc, bảo vệ thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây; tiền bồi thường được phân chia cho người quản lý, chăm sóc, bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
5. Đối với cây trồng chưa thu hoạch nhưng có thể di chuyển đến địa điểm khác thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển, phải trồng lại.
Hỏi: Đối với vật nuôi (nuôi trồng thủy sản) khi Nhà nước thu hồi đất được được bồi thường như thế nào?
Trả lời: Tại khoản 5 Điều 24 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP quy định việc bồi thường đối với vật nuôi (nuôi trồng thủy sản) như sau:
1. Đối với vật nuôi mà tại thời điểm thu hồi đất đã đến thời kỳ thu hoạch thì không phải bồi thường.
2. Đối với vật nuôi mà tại thời điểm thu hồi đất chưa đến thời kỳ thu hoạch thì được bồi thường thiệt hại thực tế do phải thu hoạch sớm; trường hợp có thể di chuyển được thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại do di chuyển gây ra; mức bồi thường cụ thể do UBND cấp tỉnh quy định cho phù hợp với thực tế.
(Trung tâm Trợ giúp pháp lý)
[links()]
Ý kiến bạn đọc