Multimedia Đọc Báo in

Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005

15:32, 13/10/2014

I. THỰC TRẠNG VÀ SỰ CẦN THIẾT SỬA ĐỔI BỘ LUẬT HÀNG HẢI VIỆT NAM NĂM 1990

1. Đánh giá tác động của Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 1990

Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 1990 (sau đây gọi là Bộ luật 1990) và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật đã có tác động rất lớn đến sự phát triển của ngành hàng hải Việt Nam, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hàng hải; tạo được hành lang pháp lý để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh từ hoạt động hàng hải; tạo điều kiện hội nhập với hoạt động hàng hải quốc tế; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của của đất nước và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của quốc gia, thể hiện trên các mặt sau đây:

 a. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hàng hải

 Bộ luật 1990 và các văn bản dưới luật đã tạo nên một khung pháp luật khá hoàn chỉnh, đồng bộ và điều này không những có tác động nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về hàng hải, mà còn góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Nhà nước. Bởi vì, trước năm 1991 chỉ có Nghị định số 203/NĐ-CP của Chính phủ về giao thông vận tải đường biển được ban hành năm 1962 là văn bản pháp luật hàng hải cao nhất của thời kỳ đó. Có thể khẳng định, từ khi ban hành Bộ luật 1990 và các văn bản dưới luật đến nay, hiệu lực quản lý nhà nước về hàng hải ngày càng được tăng cường; trật tự, kỷ cương trong hoạt động hàng hải được đảm bảo.

 b. Tạo khung pháp luật thúc đẩy ngành Hàng hải phát triển

 Bộ luật 1990 và các văn bản dưới luật điều chỉnh toàn diện mọi lĩnh vực hàng hải, đã tạo được khung pháp luật thuận lợi cho ngành Hàng hải phát triển nhanh với mức tăng trưởng cao so với năm 1990: tổng trọng tải đội tàu biển tăng trên 5 lần; sản lượng vận tải biển tăng gần 3,6 lần; tổng khối lượng hàng hóa thông qua các cảng biển tăng 3,8 lần; công nghiệp tàu thủy và các loại hình dịch vụ hàng hải khác phát triển mạnh, với chất lượng sản phẩm cũng như uy tín cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp ngày càng được nâng cao.

c. Tạo điều kiện hội nhập với hoạt động hàng hải quốc tế

Bộ luật 1990 đã tiên phong trong việc vận dụng điều ước và tập quán hàng hải quốc tế vào thực tiễn nước ta, nên tạo lập được những điều kiện pháp lý cần thiết để ngành Hàng hải sớm hội nhập với hoạt động hàng hải của thế giới và góp phần đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nuớc. Hơn nữa, ngoài việc vận dụng điều ước và tập quán hàng hải quốc tế, hiện nay Việt Nam đã tham gia 12 trong tổng số trên 60 công ước quốc tế về hàng hải. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để điều chỉnh các quan hệ pháp luật phát sinh từ hoạt động hàng hải, có liên quan đến yếu tố hàng hải - thương mại quốc tế.

Mặt khác, việc vận dụng và thực hiện điều ước, tập quán hàng hải quốc tế đã tạo điều kiện để nước ta chủ động tham gia vào các quan hệ pháp luật quốc tế không chỉ đối với ngành hàng hải, mà cả ngành thương mại, tài chính, du lịch, ngân hàng, bảo hiểm và các lĩnh vực kinh tế liên quan khác.

 d. Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước

 Với vai trò là "cầu nối" và vị trí "đầu mối" của quá trình lưu thông hàng hóa, hành khách trong nước và giữa nước ta với các nước trên thế giới, hoạt động hàng hải luôn có mối liên kết khăng khít với tất cả các hoạt động khác của nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, hiệu lực áp dụng của Bộ luật 1990 và các văn bản dưới luật cũng có tác động nhất định đến thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Điều này khẳng định tính hiệu quả áp dụng của Bộ luật 1990 không chỉ đối với ngành Hàng hải mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của tất cả các ngành, lĩnh vực liên quan khác.

đ. Góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của quốc gia

 Hiệu lực áp dụng của Bộ luật 1990 và các văn bản dưới luật cũng góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của quốc gia; đảm bảo trật tự, an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trên biển và trong các vùng nước nối liền với biển.

Tuy nhiên, cùng với sự đổi mới, phát triển của nền kinh tế và hệ thống pháp luật Việt Nam, sự phát triển của ngành hàng hải Việt Nam và thế giới, cũng như xu thế hội nhập kinh tế quốc tế đã phát sinh một số vấn đề mới, do đó Bộ luật 1990 cần phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời.

(Còn nữa)


Ý kiến bạn đọc