Multimedia Đọc Báo in

Về Luật Biển Việt Nam

09:39, 07/10/2014

4. Chương IV: Phát triển kinh tế biển 

Chương này gồm 5 Điều quy định về các nguyên tắc phát triển biển, các ngành kinh tế biển ưu tiên phát triển, vấn đề quy hoạch phát triển kinh tế biển, khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế biển trên các đảo và hoạt động trên biển. Luật Biển Việt Nam là luật cơ bản về biển của nước ta. Ngoài Luật Biển Việt Nam, chúng ta đã có các luật chuyên ngành như Luật dầu khí, Luật thủy sản… Những nội dung cụ thể của các ngành kinh tế biển được điều chỉnh trong các luật chuyên ngành.

- Nguyên tắc phát triển kinh tế biển (Điều 42)     

Các nguyên tắc phát triển kinh tế biển là phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; gắn với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn trên biển; phù hợp với yêu cầu quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; gắn với phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ven biển và hải đảo.

- Phát triển các ngành kinh tế biển (Điều 43)

Luật Biển Việt Nam quy định Nhà nước ưu tiên tập trung phát triển các ngành kinh tế biển: tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu, khí và các loại tài nguyên, khoáng sản biển; vận tải biển, cảng biển, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, phương tiện đi biển và các dịch vụ hàng hải khác; du lịch biển và kinh tế đảo; khai thác, nuôi trồng, chế biển hải sản; phát triển, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ về khai thác và phát triển kinh tế biển; xây dựng và phát triển nguồn nhân lực biển.

- Quy hoạch phát triển kinh tế biển (Điều 44)

Trước hết việc lập quy hoạch phát triển kinh tế biển phải căn cứ vào chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, định hướng chiến lược phát triển bền vững và chiến lược biển của ta; đặc điểm, vị trí địa lý, quy luật tự nhiên của các vùng biển, vùng ven biển, hải đảo; kết quả điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường biển, nguồn lực để thực hiện.

Luật Biển Việt Nam xác định những nội dung chính của quy hoạch phát triển kinh tế biển như phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, xác định phương hướng mục tiêu và định hướng sử dụng hợp lý tài nguyên; phân vùng sử dụng biển v.v...

Chính phủ sẽ triển khai xây dựng phương án tổng thể phát triển các ngành kinh tế biển và tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển trình Quốc hội xem xét, quyết định.

- Xây dựng và phát triển kinh tế biển (Điều 45)

Trên cơ sở Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, Luật Biển Việt Nam quy định việc xây dựng và phát triển kinh tế biển dựa trên nguyên tắc Nhà nước đầu tư xây dựng, phát triển các khu kinh tế tổng hợp, cụm công nghiệp ven biển, kinh tế huyện đảo theo quy hoạch, đảm bảo hiệu quả, phát triển bền vững và việc sử dụng biển của các cá nhân, tổ chức phải được thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ.

- Khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế biển trên các đảo và hoạt động trên biển (Điều 46)

Những hoạt động của nhân dân trên các đảo, quần đảo và trên các vùng biển của nước ta có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thể hiện chủ quyền quốc gia trên các vùng biển, đảo và thực hiện phát triển kinh tế biển. Do đó, Luật Biển Việt Nam quy định Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mạng lưới hậu cần, phát triển kinh tế biển, có chính sách ưu đãi để nâng cao đời sống của dân cư sinh sống trên các đảo; đồng thời, khuyến khích, ưu đãi về thuế, vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư trên các đảo và hoạt động của ngư dân trên biển.

5. Chương V: Tuần tra, kiểm soát trên biển

Chương này gồm 3 Điều quy định về lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển; nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trên biển.

- Các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển (Điều 47)

Để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình, các quốc gia ven biển tổ chức nhiều lực lượng khác nhau. Đối với nước ta, Luật Biển Việt Nam nêu các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển gồm: các lực lượng có thẩm quyền thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, các lực lượng tuần tra, kiểm soát chuyên ngành khác. Khi cần thiết, các cơ quan có thẩm quyền sẽ huy động sự tham gia của các lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng bảo vệ của các cơ quan.

- Nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trên biển (Điều 48)

Nhiệm vụ của các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển là bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trong vùng biển, đảo của nước ta; bảo đảm việc tuân thủ các quy định pháp luật cũng như các điều ước quốc tế mà nước ta tham gia; bảo vệ tài sản Nhà nước, tài nguyên và môi trường biển; bảo vệ, giúp đỡ, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đối với người, tàu thuyền hoạt động trong vùng biển, đảo của ta; và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong vùng biển nước ta.

- Cờ, sắc phục và phù hiệu (Điều 49)

Theo Nghị định số 30/CP ngày 29 tháng 01 năm 1980, tàu thuyền của các lực lượng kiểm soát trên biển của ta phải mang quốc kỳ Việt Nam cùng với cờ hiệu ngành chuyên môn, nhân viên phải mang huy hiệu, phù hiệu theo quy định. Quy định này cần thiết để thực thi thẩm quyền công vụ của mình. Do đó, quy định của Điều 49 là sự kế thừa các quy định hiện hành.

(còn nữa)


Ý kiến bạn đọc