Multimedia Đọc Báo in

Về Luật Biển Việt Nam

09:52, 06/10/2014

3. Chương III: Hoạt động trong vùng biển Việt Nam.

(...)

- Thông tin liên lạc trong cảng, bến hay nơi trú đậu của Việt Nam (Điều 32):

Luật Biển Việt Nam quy định việc thông tin liên lạc trong cảng, bến hay nơi trú đậu ở trong hoặc bên ngoài nội thủy Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan.

- Tìm kiếm, cứu hộ và cứu nạn (Điều 33)

Luật Biển Việt Nam quy định nguyên tắc mọi cá nhân, tàu thuyền tiến hành cứu giúp người, tàu thuyền gặp nạn nếu điều kiện thực tế cho phép và không gây nguy hiểm đến tàu thuyền và người đang ở trên tàu thuyền của mình; cơ quan có thẩm quyền có quyền huy động tàu thuyền Việt Nam và yêu cầu tàu thuyền nước ngoài đang hoạt động trong vùng biển nước ta tham gia tìm kiếm, cứu nạn nếu điều kiện cho phép và không gây nguy hiểm cho cá nhân và tàu thuyền được huy động, yêu cầu.

- Đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển (Điều 34)

Phù hợp với quy định của Điều 60 Công ước Luật Biển năm 1982, Luật biển Việt Nam quy định trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta, Việt Nam có quyền xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng đảo nhân tạo, các thiết bị, công trình trên biển. Nhà nước ta cũng thực hiện quyền tài phán đối với các đảo nhân tạo và thiết bị, công trình trên biển. Đảo nhân tạo và các thiết bị, công trình trên biển chỉ có vành đai an toàn 500 mét nhưng không có lãnh hải và các vùng biển riêng.

- Gìn giữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển (Điều 35)

Luật Biển Việt Nam khẳng định nguyên tắc là khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ mọi quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế liên quan đến gìn giữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển. Đồng thời phù hợp với quy định của Luật bảo vệ môi trường, Luật Biển Việt Nam quy định cấm nhận chìm, thải hay chôn lấp các loại chất thải công nghiệp, chất thải hạt nhân, và các loại chất thải độc hại khác trong vùng biển Việt Nam, cũng như trách nhiệm làm sạch, khôi phục lại môi trường và bồi thường theo quy định của Chính phủ ta phù hợp với pháp luật quốc tế có liên quan.

- Nghiên cứu khoa học biển (Điều 36)

Phù hợp với Công ước Luật Biển năm 1982 và thực tiễn của ta, Luật Biển Việt Nam tập trung nêu các nguyên tắc tiến hành nghiên cứu khoa học biển trong vùng biển Việt Nam, cụ thể là vì mục đích hòa bình, phương thức và phương tiện thích hợp, không được gây cản trở đối với các hoạt động hợp pháp tuân thủ theo quy định của pháp luật nước ta và pháp luật quốc tế có liên quan. Nhà nước ta có quyền tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học của nước ngoài trong vùng biển nước ta và được chia sẻ các tài liệu và mẫu vật gốc, tổ chức, cá nhân nước ngoài khi tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển nước ta phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, chịu sự giám sát của ta.

- Những quy định cấm hoạt động trong vùng biển Việt Nam (Điều 37, Điều 38, Điều 39 và Điều 40):

Điều 37 Luật Biển Việt Nam quy định rõ khi thực hiện các quyền tự do hàng hải và tự do hàng không trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, các tổ chức, cá nhân nước ngoài không được khai thác trái phép tài nguyên (sinh vật và phi sinh vật), xây dựng lắp đặt trái phép các thiết bị, công trình nhân tạo, nghiên cứu khoa học trái phép, gây ô nhiễm môi trường biển, đe dọa chủ quyền, an ninh, quốc phòng của Việt Nam... và các hoạt động bất hợp pháp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế.

Về việc cấm tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, chất nổ, chất độc hại (Điều 38): Trong thời gian vừa qua đã xảy ra hiện tượng một số ngư dân khi hành nghề đánh cá trên biển đã không tuân thủ đúng các quy định pháp luật liên quan trong khai thác hải sản như dùng mìn, chất nổ, xung điện để đánh cá, ảnh hưởng lớn đến nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng biển nước ta, gây tác hại đối với môi trường biển và sự phát triển bền vững của các ngành kinh tế biển. Do đó, việc đưa quy định cấm tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí hoặc chất nổ, chất độc hại cũng như các loại phương tiện, thiết bị khác có khả năng gây hại, gây ô nhiễm đối với người, tài nguyên và môi trường biển là cần thiết. Quy định này áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân hoạt động trong các vùng biển nước ta.

Điều 39 Luật Biển Việt Nam quy định cấm mọi tổ chức, cá nhân hoạt động trong vùng biển Việt Nam mua bán người, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy. Khi có căn cứ về hành vi này, các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có quyền khám xét, bắt giữ, dẫn giải về cảng, bến Việt Nam hoặc dẫn giải, chuyển giao đến cảng, bến nước ngoài để xử lý.

Điều 40 Luật Biển Việt Nam quy định cấm phát sóng trái phép hoặc  tuyên truyền, gây phương hại cho quốc phòng, an ninh của Việt Nam khi tổ chức, cá nhân hoạt động trong vùng biển Việt Nam.

- Quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài  (Điều 41):

Luật Biển Việt Nam đã nội luật hóa quy định của Điều 111 Công ước Luật Biển năm 1982 nhằm thực thi quyền tài phán đối với vùng biển của mình, theo đó các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển của Việt Nam có quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài vi phạm quy định pháp luật của Việt Nam, kể cả các vi phạm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việc truy đuổi được bắt đầu sau khi đã phát tín hiệu yêu cầu tàu dừng lại và phải tiến hành một cách liên tục đến khi tàu thuyền vi phạm đi vào lãnh hải của quốc gia mà tàu mang cờ hoặc quốc gia thứ ba.

(Còn nữa)


Ý kiến bạn đọc