Về Luật Biển Việt Nam
6. Chương VI: Xử lý vi phạm
Chương này gồm 4 Điều quy định về dẫn giải và địa điểm xử lý vi phạm; biện pháp bảo đảm tố tụng, xử lý vi phạm, biện pháp đối với đối tượng là người nước ngoài nhằm đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng, đúng pháp luật giữa các cơ quan có trách nhiệm xử lý vi phạm Luật biển Việt Nam.
- Dẫn giải và địa điểm xử lý vi phạm (Điều 50)
Trong quá trình xử lý vi phạm trên biển, do mức độ vi phạm không nghiêm trọng hoặc xuất phát từ chính sách nhân đạo, bộ đội biên phòng và các lực lượng tuần tra kiểm soát khác của ta ra các quyết định xử lý tại chỗ, ví dụ như đối với việc ngư dân nước ngoài vào đánh cá trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế nước ta. Đối với những trường hợp khác, người và tàu thuyền vi phạm được các lực lượng tuần tra kiểm soát dẫn giải về cảng, bến gần nhất để xử lý.
Đối với những trường hợp tàu thuyền vi phạm bị các lực lượng tuần tra của ta truy đuổi và chạy vào lãnh hải của quốc gia mà tàu đó mang cờ hoặc lãnh hải của quốc gia thứ ba, thì các lực lượng tuần tra, kiểm soát yêu cầu cơ quan liên quan của quốc gia mà tàu thuyền đó mang cờ hoặc quốc gia mà tàu thuyền đó đến xử lý vi phạm.
- Biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm (Điều 51 và Điều 53)
Để ngăn chặn việc vi phạm pháp luật và bảo đảm việc xử lý các vi phạm, các lực lượng tuần tra, kiểm soát có thể bắt giữ, tạm giam người và tàu thuyền vi phạm. Các biện pháp này cũng như hoạt động khởi tố, điều tra, xử lý vi phạm của các cơ quan có thẩm quyền sau đó cần phải theo đúng trình tự do pháp luật quy định.
- Thông báo cho Bộ Ngoại giao (Điều 52)
Theo quy định của Công ước Viên năm 1963 về quan hệ lãnh sự cũng như các Hiệp định lãnh sự ký kết giữa nước ta với các nước khác, khi bắt giữ công dân của các nước khác, ta có nghĩa vụ thông báo cho đại diện ngoại giao, lãnh sự của quốc gia đó biết để quốc gia đó thực hiện bảo hộ đối với công dân của mình. Do đó, quy định ở trong Luật Biển Việt Nam về việc thông báo ngay cho Bộ Ngoại giao việc bắt giữ, tạm giam người và tàu thuyền nước ngoài vi phạm pháp luật là cần thiết.
7. Chương VII: Điều khoản thi hành
Chương này gồm 2 Điều quy định về hiệu lực thi hành và hướng dẫn thi hành.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
IV. NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT BIỂN VIỆT NAM SO VỚI CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT VỀ BIỂN TRƯỚC ĐÂY
Trước đây, chúng ta đã có một số văn bản pháp luật quy định về một số khía cạnh liên quan đến biển như: Tuyên bố của Chính phủ năm 1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; Tuyên bố của Chính phủ năm 1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam; Nghị định số 30/CP của Chính phủ năm 1980 về quy chế cho các tàu thuyền nước ngoài hoạt động trên các vùng biển Việt Nam; Luật biên giới quốc gia năm 2003; Luật thủy sản năm 2003; Bộ luật Hàng hải năm 2005…
Với việc ban hành Luật Biển Việt Nam, lần đầu tiên chúng ta có một văn bản pháp lý tổng hợp có hiệu lực cao quy định một cách tổng thể các vấn đề liên quan đến biển. Bên cạnh một số nội dung là sự kế thừa, tiếp nối các quy định đã có trước đây (như khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, phạm vi các vùng biển Việt Nam…), Luật Biển Việt Nam đã bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung cho phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như yêu cầu phát triển của đất nước.
So với các văn bản pháp luật có nội dung liên quan đến biển nêu trên, Luật Biển Việt Nam có một số điểm mới quan trọng sau:
1. Luật Biển Việt Nam quy định một cách đầy đủ hơn về phạm vi, chế độ pháp lý của các vùng biển, thềm lục địa Việt Nam, phù hợp với quy định tương ứng trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
2. Luật Biển Việt Nam quy định rõ về quyền tự do hàng hải, hàng không trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.
3. Luật Biển Việt Nam quy định chi tiết về việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải Việt Nam. Với quy định này của Luật biển Việt Nam, ta đã bỏ quy định trước đây yêu cầu tàu quân sự nước ngoài phải xin phép trước khi vào vùng tiếp giáp lãnh hải của Việt Nam.
4. Luật Biển Việt Nam quy định các nguyên tắc lớn về giải quyết tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước, hợp tác quốc tế về biển, quản lý và bảo vệ biển, phát triển kinh tế biển, tuần tra kiểm soát trên biển. Các quy định này một mặt khẳng định lại chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong giải quyết tranh chấp về biển, đảo, đồng thời tạo khung pháp lý quan trọng để triển khai các công tác quản lý, bảo vệ biển và phát triển kinh tế biển, góp phần thực hiện nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
Ý kiến bạn đọc