Tìm hiểu về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015
1. Xin cho biết đôi điều về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015?
Trả lời:
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25-6-2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-9-2015, thay thế cho Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 (sửa đổi, bổ sung năm 2001, năm 2010) và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003 (sửa đổi, bổ sung năm 2010). Luật gồm 10 chương, 98 điều, quy định cụ thể về nguyên tắc bầu cử, tuổi bầu cử và tuổi ứng cử, tiêu chuẩn của người ứng cử, ngày bầu cử; dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu; các tổ chức phụ trách bầu cử; danh sách cử tri; ứng cử và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử; tuyên truyền, vận động bầu cử; nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu; kết quả bầu cử; bầu cử bổ sung; xử lý vi phạm pháp luật về bầu cử…
2. Quyền bầu cử là gì? Quyền ứng cử là gì?
Trả lời:
Quyền bầu cử: là quyền của công dân thực hiện việc lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước. Quyền bầu cử bao gồm việc đề cử, giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu, tức là quyền chủ động trong lựa chọn của công dân.
Quyền ứng cử: là quyền của công dân khi có đủ điều kiện, thể hiện nguyện vọng của mình được ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
3. Việc bầu cử phải tuân theo những nguyên tắc nào?
Trả lời:
Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở nước ta được tiến hành theo 4 nguyên tắc: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đó là tư tưởng chỉ đạo quan trọng để thực hiện bầu cử công khai, dân chủ. Các nguyên tắc bầu cử thống nhất với nhau, bảo đảm cho cuộc bầu cử khách quan, thể hiện đúng nguyện vọng của cử tri khi lựa chọn đại biểu đại diện cho mình.
a. Nguyên tắc phổ thông
Nguyên tắc phổ thông thể hiện tính toàn dân và toàn diện trong bầu cử, bảo đảm để mọi công dân không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền tham gia bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật.
Yêu cầu của nguyên tắc này là Nhà nước phải bảo đảm để cuộc bầu cử thực sự trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền bầu cử của mình, bảo đảm tính dân chủ, công khai và sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.
b. Nguyên tắc bình đẳng
Bình đẳng trong bầu cử là một nguyên tắc nhằm bảo đảm tính khách quan, không thiên vị để mọi công dân đều có khả năng như nhau tham gia bầu cử, nghiêm cấm mọi sự phân biệt dưới bất cứ hình thức nào.
Nguyên tắc bình đẳng được pháp luật quy định trong việc thực hiện quyền bầu cử và ứng cử của công dân, thể hiện ở các mặt như sau:
- Số lượng dân cư như nhau thì được bầu số đại biểu bằng nhau;
- Mỗi cử tri chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri ở một nơi cư trú;
- Mỗi người chỉ được ghi tên ứng cử ở một đơn vị bầu cử;
- Mỗi cử tri chỉ được bỏ một phiếu bầu;
- Giá trị phiếu bầu của mọi cử tri như nhau mà không có sự phân biệt.
Nguyên tắc bình đẳng còn đòi hỏi phải có sự phân bổ hợp lý cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân để bảo đảm tiếng nói đại diện của các vùng, miền, địa phương, các tầng lớp xã hội, các dân tộc thiểu số và phụ nữ phải có tỷ lệ đại biểu thích đáng trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
c. Nguyên tắc trực tiếp
Bầu cử trực tiếp là việc cử tri trực tiếp đi bầu cử, tự bỏ lá phiếu của mình vào hòm phiếu để lựa chọn người đủ tín nhiệm vào cơ quan quyền lực nhà nước. Cử tri không được nhờ người khác bầu hộ, bầu thay hoặc bầu bằng cách gửi thư. Trường hợp cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì có thể nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; nếu vì tàn tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu; cử tri do ốm đau, già yếu, tàn tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và bầu
d. Nguyên tắc bỏ phiếu kín
Nguyên tắc bỏ phiếu kín bảo đảm cho cử tri tự do lựa chọn người mình tín nhiệm mà không bị tác động bởi những điều kiện và yếu tố bên ngoài. Theo đó, cử tri bầu ai, không bầu ai đều được bảo đảm bí mật. Khi cử tri viết phiếu bầu không ai được đến gần, kể cả cán bộ, nhân viên các tổ chức phụ trách bầu cử; không ai được biết và can thiệp vào việc viết phiếu bầu của cử tri. Cử tri viết phiếu bầu trong buồng kín và bỏ phiếu vào hòm phiếu.
(Còn nữa)
Bùi Thị Trang
(Sở Tư pháp)
Ý kiến bạn đọc