Multimedia Đọc Báo in

Hỏi – đáp về Luật Giáo dục

09:55, 04/01/2020

Hỏi: Tôi đang tham gia lớp học đào tạo từ xa lấy bằng luật, đến năm 2021 khóa học mới hoàn thành. Tuy nhiên, tôi được biết Luật Giáo dục năm 2019 sẽ có hiệu lực từ 1-7-2020. Vậy hình thức đào tạo từ xa tôi theo học có còn được duy trì và công nhận không?

(Nguyễn Văn H., huyện Krông Pắc)

Trả lời: Theo khoản 2 Điều 5 Luật Giáo dục năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020) thì “Giáo dục thường xuyên là giáo dục để thực hiện một chương trình giáo dục nhất định, được tổ chức linh hoạt về hình thức thực hiện chương trình, thời gian, phương pháp, địa điểm, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người học”. Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 43 Luật Giáo dục 2019 quy định về chương trình, hình thức, nội dung, phương pháp giáo dục thường xuyên thì “Hình thức thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên bao gồm: a) Vừa làm vừa học; b) Học từ xa; c) Tự học, tự học có hướng dẫn; d) Hình thức học khác theo nhu cầu của người học”.

Như vậy, với định hướng phát triển giáo dục nhằm tạo cơ hội để mọi người được tiếp cận giáo dục, được học tập ở mọi trình độ, mọi hình thức, học tập suốt đời nên giáo dục Việt Nam vẫn duy trì và công nhận các hình thức không chính quy như: vừa học vừa làm, đào tạo từ xa, tại chức, chuyên tu, bồi dưỡng, tập huấn…

Hỏi: Đến tháng 10-2020 tôi sẽ nhận bằng Cử nhân Quản trị kinh doanh thông qua hình thức vừa học vừa làm. Nhưng tôi nghe nói, các cơ quan, doanh nghiệp chỉ nhận người có bằng cấp từ hình thức đào tạo chính quy. Vậy liệu tôi có từ chối việc làm vì bằng cấp không được đào tạo theo hình thức chính quy hay không?

(Nguyễn Thị Thúy V., TP. Buôn Ma Thuột)

Trả lời: Theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Luật Giáo dục 2019 thì “Văn bằng, chứng chỉ do cơ sở giáo dục thuộc các loại hình và hình thức đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân cấp có giá trị pháp lý như nhau”. Do vậy, bạn cứ yên tâm học tập, trang bị cho mình một nền tảng kiến thức vững chắc, đáp ứng tốt vị trí bạn muốn ứng tuyển, các cơ quan, doanh nghiệp sẽ không từ chối bạn chỉ vì bằng cấp của bạn được đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm.

Hỏi: Sắp tới Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực, vậy cho tôi hỏi Luật quy định như thế nào về việc truyền bá tôn giáo, tiến hành các lễ nghi tôn giáo trong cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân?

(Nguyễn Hạnh N., huyện Krông Bông)

Trả lời: Tại Điều 20 Luật Giáo dục 2019, quy định “Không truyền bá tôn giáo, tiến hành các lễ nghi tôn giáo trong cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang nhân dân”. Tuy nhiên, trong các chương trình giáo dục phổ thông, nhất là giáo dục đại học, người học vẫn được tiếp cận với kiến thức về lĩnh vực tôn giáo và tín ngưỡng nhằm cung cấp các kiến thức về văn hóa, xã hội, lịch sử cho người học mà không nhằm mục đích tuyên truyền tôn giáo, rao giảng đức tin.

(Còn nữa)

Nguyễn Duy Bình (Sở Tư pháp)

 


Ý kiến bạn đọc