Multimedia Đọc Báo in

Hỏi – đáp về Luật Giáo dục (Kỳ 2)

13:29, 12/01/2020

Hỏi: Tôi đang theo học ngành giáo dục Tiểu học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk (tháng 10-2020 tốt nghiệp). Thời gian qua tôi có nghe thông tin là Luật Giáo dục năm 2019 quy định những trường hợp được cấp bằng Cao đẳng Sư phạm sẽ không được giảng dạy tiểu học. Vậy, trường hợp của tôi được Luật quy định như thế nào?

(Nguyễn Thị N., huyện Krông Bông)

Trả lời: Theo khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020) thì trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo như sau:

- Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;

- Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;

- Có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ;

- Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Như vậy, trường hợp của bà để được giảng dạy tiểu học thì bà phải học tiếp lên Đại học để có bằng cử nhân thì mới đủ điều kiện trình độ chuẩn của giáo viên tiểu học theo quy định.

Hỏi: Tôi nghe nói Luật Giáo dục năm 2019 có nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ tiền học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên theo học sư phạm đúng không?

(Trần Anh Q., TP. Buôn Ma Thuột)

Trả lời: Tại khoản 4 Điều 85 Luật Giáo dục 2019 quy định về học bổng, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt thì:

- Học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo.

- Học sinh, sinh viên sư phạm được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Ngoài ra, học sinh, sinh viên sư phạm và sinh viên chuyên ngành khác còn được hưởng các chính sách dành cho người học như sau:

- Nhà nước có chính sách cấp học bổng khuyến khích học tập cho học sinh đạt kết quả học tập xuất sắc ở trường chuyên, trường năng khiếu quy định tại Điều 62 của Luật Giáo dục 2019 và người học có kết quả học tập, rèn luyện từ loại khá trở lên ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học; cấp học bổng chính sách cho sinh viên hệ cử tuyển, học sinh trường dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú, người học trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho thương binh, người khuyết tật.

- Nhà nước có chính sách trợ cấp và miễn, giảm học phí cho người học là đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Hỏi: Tôi có bằng Tiến sĩ và nguyên là giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên. Hiện tôi đã nghỉ hưu không tham gia giảng dạy. Theo quy định của Luật Giáo dục 2019, trường hợp của tôi có được phong hàm giáo sư hoặc phó giáo sư không?

(Nguyễn Hải N., TP. Buôn Ma Thuột)

Trả lời: Theo khoản 1 Điều 68 Luật Giáo dục 2019 quy định “Giáo sư, phó giáo sư là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở cơ sở giáo dục đại học đáp ứng tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư do cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm”.

Như vậy, mặc dù ông có bằng Tiến sĩ song ông hiện không trực tiếp giảng dạy tại cơ sở giáo dục, nên ông không đủ điều kiện để được phong học hàm giáo sư/phó giáo sư theo quy định.

(Còn nữa)

Nguyễn Duy Bình (Sở Tư pháp)

 

[links()]


Ý kiến bạn đọc