Những khó khăn trong việc giảng dạy tiếng Việt tại trường THPT
Lâu nay, tình trạng học sinh “ngô nghê” trong sử dụng ngôn ngữ và cảm thụ văn chương, dẫn đến việc xuất hiện những bài thi Văn “cười ra nước mắt” trong các kỳ thi đã gây bức xúc trong dư luận. Việc giảng dạy môn Ngữ văn (nhất là phần tiếng Việt ) đang đặt ra thử thách lớn đối với giáo viên và ngành giáo dục.
(Ảnh minh họa) |
Trong sách giáo khoa Ngữ văn (phần tiếng Việt), số lượng tiết phân phối chương trình ngày càng ít dần (chẳng hạn môn Ngữ văn 11 cơ bản, phần tiếng Việt chỉ có 16 tiết /năm học – chỉ bằng gần một nửa so với sách tiếng Việt cũ…). Sự sắp xếp các bài học tuy có bảo đảm tính tích hợp trong quá trình học của học sinh nhưng sự phân bố đó là không đều, dễ dẫn đến việc cung cấp kiến thức không cân xứng, học sinh nhanh quên kiến thức cũ và học lệch đi. Mặt khác, trong các loại bài tiếng Việt, chiếm đa số là loại bài cung cấp kiến thức mới, còn loại bài thực hành, rèn luyện kỹ năng thì lại chiếm tỷ lệ rất ít. Một khó khăn khác đến từ phía người dạy. Có thể nói, quá trình đào tạo sinh viên sư phạm hiện nay chưa đáp ứng được sự đổi mới của phương pháp dạy học văn, nhất là dạy học phần tiếng Việt trong trường THPT. Điều đó dẫn đến việc nhiều sinh viên khi ra trường yếu và thiếu về mặt kiến thức chuyên môn hoặc lúng túng trong việc áp dụng kiến thức đã học trong giảng dạy. Bên cạnh đó, một số giáo viên hiện nay lại lệ thuộc quá nhiều vào sách tham khảo và những cuốn giáo án có sẵn. Điều này vô hình trung phủ nhận sự sáng tạo trong quá trình giảng bài; giáo viên chưa tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, vẫn còn tình trạng đọc – chép hoặc áp dụng phương pháp đổi mới dạy học theo kiểu chiếu - chép cho học sinh. Cách dạy nhàm chán, thuộc lòng, không đổi mới, thiếu cảm xúc này dễ làm cho học sinh cảm thấy chán học môn văn hơn. Dạy tiếng Việt có một yêu cầu khắc nghiệt là giáo viên phải dạy sao cho đúng, chính xác nhưng cũng phải bảo đảm tính hấp dẫn, lôi cuốn người học. Đứng trước yêu cầu đó, nhiều giáo viên chưa định hướng được cách dạy như thế nào là phù hợp. Vì thế, phần tiếng Việt càng khô khan hơn, khó tiếp nhận hơn đối với học sinh. Một khó khăn khác không thể không nói đến là từ phía học sinh. Những năm gần đây, học sinh đam mê môn văn không còn nhiều, năng lực cảm thụ và tư duy của học sinh khi học văn ngày càng giảm dần. Nhiều em, khi mới bước vào bậc THPT đã định hướng khối thi đại học cho mình, trong đó chủ yếu chọn những khối tự nhiên, khối C ngày càng ít. Một thực tế nữa là trong những giờ dạy tiếng Việt, tình trạng học sinh bị mất kiến thức gốc, kiến thức cũ là rất nhiều, từ đó, dễ nảy sinh tư tưởng chán học hoặc đối phó trong khi học. Đa số các em bị mất kiến thức ở các lớp dưới như: chưa biết cách dùng từ, đặt câu, hành văn; sử dụng văn nói nhiều khi viết văn; bài viết sai lỗi chính tả rất nhiều; thậm chí nhiều em còn đọc sai từ ngữ. Từ đó dễ dẫn đến tình trạng nhiều học sinh phụ thuộc vào sách tham khảo môn Ngữ văn rồi lệ thuộc vào nó lúc nào không biết.
Thiết nghĩ, để việc giảng dạy tiếng Việt chất lượng và hiệu quả hơn, cần phân bổ chương trình dạy tiếng Việt trong sách giáo khoa Ngữ văn hợp sao cho hợp lý hơn, tăng cường các bài học thiên về kỹ năng và thực hành nhiều hơn. Giáo viên cần đổi mới cách dạy, cách kiểm tra – đánh giá … theo hướng phù hợp với tâm lý, trình độ của người học, tránh gây nhàm chán trong mỗi tiết học, phát huy khả năng sáng tạo, kích thích niềm đam mê cho học sinh. Giáo viên cũng cần định hướng học sinh trong việc sử dụng sách tham khảo; quan tâm đến những điểm yếu kém và bù lấp những lỗ hổng kiến thức cho học sinh; chỉ ra những cái hay cái đẹp và những lợi ích thiết yếu trong tiếng Việt để giúp các em hứng thú hơn với môn học này.
Ý kiến bạn đọc