Multimedia Đọc Báo in

"Bộ ba" đam mê sáng tạo

05:56, 31/05/2015

Với sức trẻ cùng niềm đam mê sáng tạo, từ năm 2013 đến nay, "bộ ba” học sinh: Lê Đức Thông - Nguyễn Thành Luân - Tô Hoàng Khang (cùng SN 1997, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Lê Hữu Trác, huyện Cư M’gar) đã “hợp sức” sáng chế thành công nhiều mô hình độc đáo, sáng tạo, tham gia nhiều cuộc thi được Ban giám khảo đánh giá cao và đặc biệt có khả năng ứng dụng vào thực tiễn đời sống.

Tìm về huyện Cư M’gar để gặp “bộ ba” sáng tạo đúng lúc các bạn đang làm bài tập nhóm chuẩn bị cho kỳ thi đại học - cao đẳng sắp tới. “Bộ ba” này vừa giành giải Nhì lĩnh vực hóa học và giải Ba tại Cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2015 với mô hình “Chưng cất rượu hương cà phê” - đây được xem là niềm vui, niềm tự hào không chỉ của thầy, trò Trường THPT Lê Hữu Trác mà còn cả ngành Giáo dục tỉnh nhà. Cuộc thi do Bộ Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam và Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) tổ chức hằng năm. Năm nay, khu vực phía Nam diễn ra tại tỉnh Đồng Tháp từ ngày 15 đến 17-3, với sự tham gia của 180 mô hình, 306 tác giả là học sinh, nhóm học sinh đến từ 31 Sở Giáo dục - Đào tạo các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở vào. Sở Giáo dục - Đào tạo Dak Lak mang đến Cuộc thi 6 mô hình của 10 học sinh (7 học sinh THPT và 3 học sinh THCS). Trong đó, mô hình “Chưng cất rượu hương cà phê” của “bộ ba” tác giả Lê Đức Thông - Nguyễn Thành Luân - Tô Hoàng Khang được Ban giám khảo đánh giá rất cao bởi sản phẩm thu được qua quá trình chưng cất là một loại đồ uống có cồn, hương vị cà phê nồng nàn, thơm ngon mà hiện nay trên thị trường chưa có. Khi được hỏi lý do khiến nhóm quyết định chọn mô hình này để sáng tạo, em Lê Đức Thông - Trưởng nhóm cho biết: “Ở Tây Nguyên nói chung, Dak Lak nói riêng nổi tiếng với rượu cần đặc trưng của người Êđê, cùng với đó vùng đất này còn có đặc sản nổi tiếng là cà phê Buôn Ma Thuột. Từ đó, bọn em muốn tạo ra một sản phẩm có sự kết hợp hài hòa giữa hương vị cà phê và rượu cần, mang đậm đặc trưng vùng Tây Nguyên. Để chưng cất được loại đồ uống này thì cần phải có máy pha chế riêng biệt, vì vậy, bọn em đã lên kế hoạch sáng tạo máy “chưng cất” rượu mới lạ mà trên thị trường hiện nay chưa có”.

“Bộ ba” sáng tạo Tô Hoàng Khang - Lê Đức Thông - Nguyễn Thành Luân (từ trái sang phải).
“Bộ ba” sáng tạo Tô Hoàng Khang - Lê Đức Thông - Nguyễn Thành Luân (từ trái sang phải).

Chọn được ý tưởng đã khó, triển khai ý tưởng còn khó trăm bề. Ban đầu, cả 3 đã phải bỏ ra một khoảng thời gian khá dài để lên ý tưởng xây dựng đề tài. Về mặt lý thuyết, có thể thấy đề tài này không mấy phức tạp nhưng khi bước vào thực hiện lại gặp rất nhiều khó khăn, vì đây là việc làm hoàn toàn mới mẻ, ít tài liệu tham khảo, đặc biệt là phải am hiểu về hóa học bởi trong quá trình “sản xuất” đều có phản ứng xảy ra khi kết hợp giữa rượu với cà phê. Tuy nhiên, được sự giúp đỡ của thầy giáo Phạm Văn Vinh - giáo viên chủ nhiệm kiêm người hướng dẫn và cũng là giáo viên dạy hóa học, cả 3 đều cảm thấy tự tin hơn khi thực hiện ý tưởng. Sau hơn 3 tháng miệt mài sáng tạo, cuối cùng nhóm cũng đã cho ra lò “máy chưng cất” rượu hương cà phê. Theo thiết kế, chiếc máy chưng cất gồm 2 bộ phận: bộ phận nấu (1 chiếc nồi cơm điện) và bộ phận ngưng tụ (có ống dẫn). Về nguyên tắc hoạt động, gạo được nấu thành cơm, ủ men trong khoảng thời gian 7-8 ngày, sau đó trộn đều với bã cà phê (cà phê đã qua sử dụng) tạo thành hỗn hợp. Hỗn hợp này được đưa vào nồi nấu, đun sôi khoảng 90oC trong thời gian khoảng 1 giờ đồng hồ, hơi nước sẽ thoát ra ngoài qua ống dẫn tới hệ thống làm lạnh (ngưng tụ) và chảy ra ngoài thành sản phẩm. Thầy giáo Phạm Văn Vinh cho biết: “Mô hình máy pha chế này rất hữu ích, rượu thu được có nồng độ cồn trên 45oC, có hương vị cà phê, nồng nàn, thơm ngon. Hơn nữa, mô hình này dễ triển khai, có thể được áp dụng rộng rãi cho từng hộ gia đình, không gây ô nhiễm môi trường, phế thải sau khi sản xuất rượu có thể làm phân bón tốt cho cây trồng và phòng trừ được các loại sâu bệnh”.

Trước đây, năm 2013, nhóm tác giả này cũng từng giành giải Nhất tại Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Dak Lak do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh phối hợp với Tỉnh Đoàn, Sở Giáo dục & Đào tạo, Sở Khoa học - Công nghệ tổ chức với mô hình “Xe môi trường đô thị đa năng”. Ý tưởng về chiếc xe đa năng được xây dựng dựa trên nguyên tắc hoạt động của xe công ty vệ sinh môi trường vẫn hằng ngày đi thu gom rác thải trên đường phố. Tuy nhiên, đặc điểm nổi bật chiếc xe này là nó có thể thực hiện nhiệm vụ “3 trong 1”, vừa quét, vừa thu gom rác và kiêm chức năng tưới hoa. Hơn nữa, xe còn có hệ thống phun sương chống bụi, rất thân thiện với môi trường. Theo đánh giá của Ban giám khảo, đây là đề tài mới lạ, khả năng ứng dụng vào thực tiễn cao, góp phần giảm áp lực cho công nhân môi trường và đặc biệt là thân thiện với môi trường.

Hiện, em Lê Đức Thông và em Nguyễn Thành Luân đã được Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh và Đại học FPT tuyển thẳng, tuy nhiên, em Nguyễn Thành Luân lại có ước muốn khoác lên mình bộ quân phục của lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam nên đã không nhận giấy báo trúng tuyển mà quyết tâm thi vào Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân trong kỳ thi đại học - cao đẳng sắp tới; còn em Tô Hoàng Khang ước muốn sau này sẽ là kỹ sư công nghệ thông tin. Mỗi người đang theo đuổi một ước mơ riêng, con đường trước mắt còn dài, nhưng với năng lực và niềm đam mê sáng tạo, tin rằng các em sẽ thành công.

 Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Thắt chặt tình đoàn kết quân dân
Cùng với sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng vũ trang tỉnh Đắk Lắk đã lập nhiều chiến công trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển của tỉnh, được Thường vụ Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 5, cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.