Bạn đọc viết
Nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống bệnh dại cho vật nuôi
Thực hiện Nghị định 05/2007/NĐ-CP về phòng, chống bệnh dại ở động vật, Chi cục Thú y tỉnh đã triển khai đợt tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo năm 2011 (từ ngày 16-2 đến ngày 3-3-2011).
Trước khi triển khai, Chi cục Thú y tỉnh và Trạm Thú y TP. Buôn Ma Thuột đã đề nghị UBND các xã, phường thông báo đến từng hộ dân phải xích, nhốt chó tại nhà để cán bộ thú y thực hiện tiêm phòng. Tuy nhiên thực tế cho thấy: vẫn còn nhiều hộ dân do ý thức, hiểu biết về bệnh dại sơ sài, đặc biệt ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng thấp nên đã không nhiệt tình hưởng ứng. Nhiều gia đình khi thấy cán bộ thú y đến tiêm phòng thì trả lời: “Chó nhà tôi mấy năm rồi không tiêm nhưng có sao đâu”, hoặc “Chó nhà tôi hiền lắm, có cắn ai bao giờ đâu mà phải tiêm”.
Theo kết quả điều tra của Cục thống kê đến ngày 1-10-2010, trên địa bàn toàn tỉnh có tổng đàn chó khoảng 389.000 con, nhưng tiêm phòng hằng năm chỉ đạt khoảng 50.000 con, chiếm 1/8 tổng số chó hiện có. Thực tế, trong những năm qua tình hình bệnh nhân tử vong do bệnh dại trong tỉnh tăng cao. Năm 2008 có 5 trường hợp tử vong do bệnh dại; năm 2009 có 2 trường hợp; năm 2010 có 3 trường hợp và những tháng đầu năm 2011 có 1 trường hợp. Ngoài ra, hằng năm toàn tỉnh có trên 2.000 người bị chó cắn phải đến Trung tâm Y tế dự phòng để tiêm phòng dại. Đáng chú ý là tất cả các trường hợp người bị tử vong do bệnh dại đều do vật nuôi không được tiêm phòng vắc-xin cắn. Do vắc-xin hiện nay chưa được cung cấp miễn phí, giá thành cao (12.000 đ/con), vết thương do súc vật cắn chưa gây hại tức thì nên người bị vật nuôi cắn thường chủ quan không đi tiêm phòng dại. Để hạn chế nguy cơ bị chó dại cắn gây nên những cái chết thương tâm thì việc tiêm phòng dại cho chó là biện pháp thực tế và hữu hiệu nhất. Vì vậy, việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong thực hiện tiêm phòng bệnh dại cần được đẩy mạnh, kết hợp với các biện pháp kiểm tra và xử lý nghiêm đối với những trường hợp chây lỳ.
Ý kiến bạn đọc