Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea H’leo: Rừng giao khoán ở xã Ea Sol đang bị tàn phá nghiêm trọng

20:54, 08/05/2011

Tháng 3-2004, UBND huyện Ea H’leo đã giao 6 tiểu khu, gồm 4.399 ha rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp ở phía đông xã Ea Sol cho 4 buôn tại địa phương này quản lý trong thời gian giao 50 năm. Trong đó, 112 hộ gia đình buôn Chăm nhận khoán quản 1.804,5 ha rừng (thuộc tiểu khu 28,33);  63 hộ buôn Điêk nhận 518 ha (thuộc tiểu khu 40,43); 123 hộ buôn Ta Ly nhận 1.127,5 ha (thuộc tiểu khu 32) và 127 hộ buôn Ka Ry nhận 949 ha (thuộc tiểu khu 44).

Trong gần 8 năm qua ( 2004 -2011) kể từ ngày rừng và đất lâm nghiệp được giao, rừng giao khoán của buôn Chăm, buôn Điêk, buôn Ta Ly, buôn Ka Ry thưòng xuyên bị chặt phá, xâm chiếm trái phép với nhiều mục đích: phá rừng lấy củi đốt than hầm; khai thác gỗ xây dựng, làm trụ tiêu và lấy đất sản xuất. Các khu rừng còn gỗ tốt, gỗ quí, lâm tặc ngang nhiên đưa cưa mâm, cưa lốc vào hạ cây xẻ gỗ chuyển về tiêu thụ. Những nơi không còn gỗ thì họ triệt hạ hàng chục, hàng trăm ha rừng tự nhiên lấy đất trồng sắn, điều. Rừng giao khoán bị tàn phá nghiêm trong và khốc liệt nhất phải kể đến các tiểu khu: 28,33 (buôn Chăm), 40,43 (buôn Điêk). Mới đây nhất, khi chúng tôi cùng ông Ama Lơ, Tổ trưởng Tổ Quản lý bảo vệ rừng giao khoán buôn Ta Ly và anh Ksơ Y Tâm,  dân quân xã Ea Sol đi kiểm chứng thực tế nạn phá rừng ở địa bàn đã tận mắt chứng kiến các tiểu khu rừng thuộc lâm phần của cộng đồng buôn Chăm, buôn Điêk, buôn Ta Ly, buôn Ka Ry chỗ nào rừng cũng bị xâm hại nghiêm trọng. Hàng trăm cây rừng lớn, nhỏ bị chặt hạ ngổn ngang,  có cây lá còn tươi. Những thân cây đẹp đã bị lâm tặc rọc phách đưa ra khỏi rừng, chỉ còn trơ lại cành nhánh và đống mùn cưa cao hàng mét. Có những vạt rừng cây bị hạ xuống đã khô đang được người phá rừng gom thành đống đốt cháy thành tro, khói lửa đỏ rực. Xe công nông, xe độ chế, xe máy tấp nập kéo vào rừng để khai thác gỗ. Tại khu vực dốc núi Chư Phốt, chúng tôi còn bắt gặp một đoàn 10 chiếc xe công nông, xe nào cũng chở đầy gỗ căm xe, cà chít còn tươi về làm trụ tiêu. Đối tượng phá rừng giao khoán ở Ea Sol phần đông là dân ở các buôn, thôn trong xã và có cả những hộ đã ký cam kết nhận khoán quản lý rừng. Thực tế, những người phá rừng, xâm chiếm đất lâm nghiệp trái phép này đều không thuộc diện thiếu đất sản xuất, thiếu gỗ làm nhà ở bởi 100% số hộ gia đình đồng bào tại chỗ, hộ nghèo ở đã được chính quyền xã Ea Sol cấp đất sản xuất, hỗ trợ làm nhà ở theo Chương trình 132, 167 trong thời gian qua.

Rừng giao khoán của buôn Điêk bị chặt phá và đốt cháy, chuẩn bị cho mùa gieo trồng năm 2011.
Rừng giao khoán của buôn Điêk bị chặt phá và đốt cháy, chuẩn bị cho mùa gieo trồng năm 2011.

Mặc dù rừng giao khoán ở Ea Sol đã và đang bị chặt phá tan hoang, xâm hại với mức độ ngày càng nghiêm trọng nhưng trong năm 2010, Ban Quản lý  và bảo vệ rừng  xã Ea Sol cùng các tổ quản lý rừng giao khoán địa phương chỉ phát hiện được 11 vụ phá rừng, lập biên bản chuyển Hạt Kiểm lâm huyện 6 vụ, tạm giữ 10,853m3 gỗ các loại (!). Trao đổi với chúng tôi về nguyên nhân dẫn đến rừng giao khoán thường xuyên bị xâm hại, ông KSơ Gư, Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban Quản lý bảo vệ rừng xã Ea Sol cho rằng: “Đó là do các tổ quản lý bảo vệ rừng giao khoán và các thành viên trong tổ hoạt động kém hiệu quả, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc giữ rừng. Họ không còn thiết tha với rừng như khi mới giao. Nhận thức của người dân về Luật Bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế… Nhà nước lại chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý người vi phạm lâm luật nên địa phương cũng gặp nhiều khó khăn trong việc giữ rừng”.

Hiện nay, cây sắn và hồ tiêu đang có giá cao khiến hàng trăm người ở các buôn, thôn trong xã Ea Sol đưa phương tiện vào rừng giao khoán phá rừng lấy đất trồng sắn, khai thác gỗ làm trụ tiêu bán kiếm tiền. Nhiều người dân ở đây cho biết, mỗi trụ tiêu, chủ yếu là bằng gỗ căm xe, cà chít đường kính 25-30cm, dài 3,7m trở lên được bán với giá 120.000 đồng đến 140.000 đồng; nếu người mua  có nhu cầu chở qua xã Ea Hiao hoặc Bãi Bằng (huyện Krông Năng) thì mỗi trụ tiêu có giá bán là 180.000 đồng/ trụ. Trong những ngày này, tại địa bàn thôn Thái, thôn 2, buôn Ta Ly, buôn Điêk, thôn Ea Blong của xã Ea Sol, trụ tiêu bằng gỗ căm xe, cà chít tươi chất đầy hai bên đường, người có nhu cầu muốn mua bao nhiêu cũng được.

Trước thực trạng phá rừng, xâm chiếm đất lâm nghiệp trái phép diễn ra phổ biến và ngày càng nghiêm trọng ở xã Ea Sol, thiết nghĩ Chi cục Kiểm lâm  tỉnh, chính quyền và các ngành chức năng huyện Ea H’leo cần sớm vào cuộc điều tra, xác minh rõ diện tích rừng giao khoán ở Ea Sol bị thiệt hại do chặt phá, lấn chiếm trái phép; trên cơ sở đó, quy trách nhiệm cụ thể để xử lý; đồng thời khẩn cấp có biện pháp ngăn chặn nạn phá rừng khai thác gỗ lậu, xâm chiếm đất lâm nghiệp trái phép làm nương rẫy ở khu vực này.

 

Ngọc Tài

 


Ý kiến bạn đọc