Multimedia Đọc Báo in

Bạn đọc viết

Nhiều hồ, đập ở huyện Ea H’leo chưa được tận dụng hết tiềm năng

10:53, 09/07/2011

Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, từ năm 1984 đến cuối năm 2010, huyện Ea H’leo đã xây dựng được 40 hồ chứa và đập nước vừa và nhỏ tại các xã, thị trấn trên địa bàn, trong đó có 3 đập dâng, 37 hồ chứa nước với tổng vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng. Ngoài các hồ, đập được đầu tư xây dựng bằng nguồn  vốn của Nhà nước, trên địa bàn 11 xã, thị trấn của huyện còn có hàng trăm ao, hồ chứa nước của hộ gia đình với số tiền đầu tư đào ao, hồ mà các nông hộ tự bỏ ra cũng đến hàng tỷ đồng. Hệ thống ao hồ, đập này đã góp phần bảo đảm nguồn nước tưới cho cây trồng vào mùa khô, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, kinh tế - xã hội  cho địa phương. Tuy nhiên, đáng tiếc là nhiều hồ chứa, đập nước mới chỉ dùng vào việc lấy nước tưới cho cây trồng vào mùa khô là chính, còn lại thì “bỏ trống” quanh năm.

Hiện tại, chỉ có một vài hộ dân ở thị trấn Ea Đrăng và xã Ea Hiao đã tận dụng ao hồ nuôi thêm cá nước ngọt nhưng chủ yếu vẫn là tự cung tự cấp nguồn thực phẩm tại chỗ để cải thiện bữa ăn mà chưa có ai mạnh dạn nuôi cá để tạo ra hàng hóa - thực phẩm tươi sống có giá trị bán ra thị trường. Vì thế, hàng trăm hồ chứa nước trên địa bàn huyện Ea H’leo vẫn bị bỏ phí quanh năm, không được tận dụng trong khi Nhà nước và nhiều người dân đã tốn rất nhiều tiền của, thời gian, công sức để xây dựng.

Hồ chứa nước Ea Đrăng (Ea H’leo) có tổng vốn đầu tư hơn 40 tỷ đồng, được bàn giao và đưa vào sử dụng từ năm 2008 đến nay nhưng vẫn còn bỏ trống, chưa có tổ chức hoặc cá nhân nào mạnh dạn đấu thầu nuôi cá nước ngọt.
Hồ chứa nước Ea Đrăng (Ea H’leo) có tổng vốn đầu tư hơn 40 tỷ đồng, được bàn giao và đưa vào sử dụng từ năm 2008 đến nay nhưng vẫn còn bỏ trống, chưa có tổ chức hoặc cá nhân nào mạnh dạn đấu thầu nuôi cá nước ngọt.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự lãng phí đáng tiếc này, như: hộ có ao, hồ chưa thấy rõ giá trị kinh tế nhiều mặt từ việc nuôi cá nước ngọt mang lại nên không “mặn nồng” thả cá xuống ao nhà, hoặc đấu thầu hồ, đập của nhà nước để nuôi cá; các ngành chức năng như Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông huyện ít chú trọng hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình nuôi cá nước ngọt hiệu quả ở địa phương để khuyến khích bà con học tập, làm theo.

Thực tế đã cho thấy, nuôi các loài cá nước ngọt như trắm cỏ, rô phi, chép, trôi, mè… không khó, kỹ thuật nuôi đơn giản, ít xảy ra dịch bệnh, rủi ro cao như các con vật khác, thức ăn cho cá rất dễ tìm vì các loại rau cỏ, cây trái, phụ phế phẩm sau thu hoạch trong nông nghiệp địa phương rất phong phú có thể tận dụng làm thức ăn cho cá. Thiết nghĩ, nếu những mặt hạn chế như vừa nêu từng bước được quan tâm, khắc phục, nhiều ao, hồ chứa của cá nhân và tập thể trên địa bàn huyện Ea H’leo ngoài việc cấp nước phục vụ cho nông nghiệp vào mùa khô, còn được kết hợp nuôi cá nước ngọt hoặc các loài thủy sinh có lợi khác chắc chắn sẽ đem lại nguồn thu không nhỏ - khi lợi ích kép trong lòng hồ được khai thác, phát huy tối đa. Và qua hoạt động nuôi cá trong hồ,  đập, các cá nhân, tập thể có thể kịp thời phát hiện hư hỏng, những tác động tiêu cực khác ảnh hưởng đến sự an toàn cho hồ, đập khi mưa lũ, sẽ có ngưòi đóng khẩu, chặn dòng tích trữ nước cho công trình thủy lợi vào mùa khô hạn…

Ngọc Tài

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.