Multimedia Đọc Báo in

Gần trung tâm xã vẫn thiếu điện sinh hoạt

09:54, 14/06/2013

Chỉ nằm cách trung tâm xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) chưa đầy 1km, nhưng từ nhiều năm qua, hàng chục hộ dân ở xóm 6 và 7 thuộc thôn 3 vẫn phải sống trong cảnh khó khăn, cơ cực vì thiếu điện.

Khó khăn chồng chất vì thiếu điện

Hai xóm 6 và 7 có gần 60 hộ dân sinh sống ổn định tại thôn 3, nằm cách trung tâm xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) chưa đầy 1km. Ấy thế mà nhiều năm nay, bà con nơi đây vẫn đang phải sống trong cảnh thiếu điện sinh hoạt và điện sản xuất, ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống, kinh tế của họ. Nguồn điện đang sử dụng được kéo lắp từ công tơ tổng (nằm trên địa bàn thôn 2 liền kề) đều do người dân tự bỏ tiền, công sức ra làm từ trước năm 2000 mà không có bất kỳ sự hỗ trợ, tư vấn nào của địa phương.

Người dân tự kéo hệ thống dây điện qua cây cối trong vườn rất nguy hiểm.
Người dân tự kéo hệ thống dây điện qua cây cối trong vườn rất nguy hiểm.

Theo phản ánh của các hộ dân thì chỉ riêng hai xóm 6 và 7 này đến nay vẫn chưa được các cấp, ngành quan tâm lập kế hoạch bán lẻ điện cho các hộ dân. Còn xung quanh đó các địa bàn thôn, xóm khác đều đã được đầu tư lưới điện đầy đủ, thậm chí có những nơi hẻo lánh cách trung tâm xã khoảng 6 - 7 km vào sâu trong các rẫy cà phê, sắn của bà con cũng có lưới điện trung thế và hạ thế.

Tận mắt chứng kiến hệ thống đường dây điện mà bà con nơi đây tự “thiết kế” mới thấy được mức độ nguy hiểm của lưới điện tự phát là như thế nào. Dăm ba cây cột điện đúc bằng xi măng bà con tự bỏ tiền ra mua cũng chỉ ở ngay sát đầu công tơ tổng để tỏa đi các nhánh và rồi bà con lại tự mua dây kéo về nhà mình thông qua các cây gỗ đã mục xiêu vẹo, hoặc lợi dụng một số cây xanh cao trong vườn nhà. Hầu hết dây điện bà con tự kéo đều có tải trọng yếu, khi kéo qua cây cối trong vườn rất dễ bị đứt, chạm chập, nhất là trong mùa mưa, rất nguy hiểm cho người và vật nuôi. Đã nhiều năm liền (từ năm 2008) người dân nơi đây gửi đơn phản ánh đến khắp các ngành chức năng yêu cầu được quan tâm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, song đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Ông Ngô Văn Đoan, người dân xóm 6 cho biết, nhiều năm nay người dân nơi đây đang phải sử dụng nguồn điện tự bắt quá yếu, không đủ để dùng thêm một số thiết bị điện sinh hoạt trong gia đình như quạt, ti vi, nồi điện… Trong khi đó, nhiều hộ còn tự lắp thêm nguồn 3 pha kéo từ điện sinh hoạt trong gia đình để phục vụ cho việc sản xuất, vì vậy thường xuyên xảy ra tình trạng chập cháy dây điện, chưa kể việc làm này còn khiến người dân phải chịu thêm khoản chi phí điện hao hụt qua đường dây khá tốn kém khoảng từ 2- 5%/tháng. Vào mùa khô, nhu cầu sử dụng điện chạy máy bơm tưới cho cà phê, tiêu của người dân trong xã tăng cao, người dân xóm 6, 7 lại càng cơ cực hơn do không đủ điện sinh hoạt và sản xuất, nhiều hộ đầu tư hàng chục triệu đồng cho máy bơm tưới nhưng khi gặp điện yếu, hay bị cúp đột ngột do quá tải tại trạm biến áp tổng thì máy cũng bơm bị cháy, hỏng liên tục, thiệt hại không nhỏ cho kinh tế của người dân. Từ đó kéo theo các hoạt động sản xuất, chăn nuôi bị đình trệ, đời sống người dân đã khó khăn lại càng thêm thiếu thốn đủ đường.

Ngành điện vẫn còn chờ vốn!

Đã nhiều năm qua người dân xóm 6, 7 thôn 3, xã Ea Kao “tự bơi” với hệ thống lưới điện sinh hoạt, điện sản xuất. Và cũng không ít lần họ phản ánh lên chính quyền địa phương cũng như các ban, ngành chức năng mong có sự đầu tư cải thiện lưới điện nơi đây. Song, sự mong mỏi ấy của bà con đến nay vẫn chưa được quan tâm giải quyết. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Bài, Chủ tịch UBND xã Ea Kao cho biết: Việc nâng cấp, tu sửa và làm mới hệ thống lưới điện trên địa bàn xã Ea Kao, chính quyền địa phương không có thẩm quyền can thiệp. Có chăng, xã chỉ tham mưu, tư vấn khi Công ty điện lực Dak Lak có công văn yêu cầu địa phương đề xuất những nơi nào trong xã thực sự cần thiết cải tạo hệ thống lưới điện giúp bà con ổn định lưới điện sinh hoạt và sản xuất. Sau khi tham mưu thì ngành điện lực cũng cử cán bộ, chuyên viên trực tiếp xuống địa bàn để khảo sát thực tế và lập sơ đồ xây lắp hệ thống điện tại địa phương. Ông Bài cho biết thêm: ngay trong đợt tháng 4 - 2013 vừa qua, địa phương cũng đã có công văn tham mưu gửi lên ngành điện yêu cầu nâng cấp, lắp đặt mới lưới điện tại nhiều khu vực trên địa bàn, trong đó có cả xóm 6, 7 của thôn 3…

Trong khi đó, ông Trần Tấn Phùng, Trưởng Phòng kế hoạch Công ty Điện lực Dak Lak xác nhận: đơn vị cũng nhận được đơn thư phản ánh của bà con xóm 6, 7 thôn 3, xã Ea Kao và đã có văn bản trả lời với mong muốn khách hàng thông cảm và chia sẻ những khó khăn chung của ngành điện, nhất là ngành điện của tỉnh có địa hình khó khăn, rộng lớn như Dak Lak. Gần đây nhất, ngày 29-5-2013, Công ty Điện lực Dak Lak cũng có văn bản trả lời số 4497/ĐLPC-KH phúc đáp đơn đề nghị của bà con tại thôn 3, xã Ea Kao nói trên. Hiện tại, lưới điện do Công ty Điện lực Dak Lak quản lý bán điện đến hộ sử dụng trên địa bàn tỉnh tuy đã được đầu tư, cải tạo hằng năm, nhưng do khối lượng đầu tư lớn, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế nên một số cụm vẫn chưa được đầu tư xóa bán tổng như mong muốn của người dân (trong đó có cả nhóm 6, 7 thôn 3, xã Ea Kao). Ông Phùng cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đề nghị cấp trên cấp thêm vốn, sau đó sẽ thực hiện ngay việc đầu tư cải tạo lưới điện và bán điện trực tiếp đến hộ sử dụng.

Trước thực tế trên, để bảo đảm an toàn cho người dân trong quá trình sử dụng điện, thiết nghĩ ngành chức năng cần hướng dẫn cụ thể cho người dân lắp đặt hệ thống đường dây từ công tơ tổng đến các hộ gia đình và vườn rẫy sản xuất, sử dụng điện hợp lý hơn, khắc phục phần nào khó khăn trong quá trình dùng điện sản xuất và sinh hoạt, tránh những hệ lụy nguy hiểm có thể xảy ra nhất là trong mùa mưa.

Tổ bạn đọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.