Multimedia Đọc Báo in

Mưu sinh bằng nghề khai thác mỏ đá: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

09:49, 18/06/2013

Năm 2005, Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ 26 đã ngừng khai thác mỏ đá tại thôn 7, xã Krông Buk (huyện Krông Pak) vì chưa giải quyết được những tranh chấp đền bù để các hộ dân di dời nên không thể nổ mìn phá đá.

Từ khi mỏ đá ngừng khai thác, mùa mưa nước đọng lại thành hồ sâu; công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ 26 đã cho anh Trần Văn Thanh thầu làm hồ nuôi cá. Anh Thanh cho biết: Hồ nước sâu nuôi cá cũng khó đánh bắt, chỗ sâu nhất tới 30m, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm vì nếu lỡ trượt chân té xuống thì sẽ va vào các hốc đá. Cụ thể, tại đây vào năm 2008, đứa con trai 9 tuổi của anh Lê Viết An (thôn 7, xã Krông Buk) đi câu cá, không may trượt chân ngã chết đuối phải kêu thợ lặn tới vớt xác…

Các loại đá chất thành từng đống chờ xe đến chở đi.
Các loại đá chất thành từng đống chờ xe đến chở đi.

Từ lúc Công ty ngừng khai thác đá, rất nhiều hộ dân nơi đây – vốn là công nhân được thuê đã không có thêm thu nhập từ nghề này. Ông Y Thạnh (50 tuổi, thôn 7, xã Krông Buk) tâm sự: “Từ lúc Công ty không còn khai thác đá ở đây, cuộc sống của gia đình tôi trở nên khó khăn hơn, vì tôi và vợ con lâu nay chỉ quen với nghề đục đá mà đất canh tác lại rất ít. Hiện nay tôi phải đi chăn nuôi bò thuê, còn vợ tôi thì gánh chè đi bán để kiếm sống qua ngày…”. Tương tự như gia đình ông Y Thạnh, cuộc sống của một số hộ dân trong thôn cũng trở nên khó khăn khi mỏ đá này không hoạt động nữa. Tuy nhiên họ đã đến khu vực mỏ đá để đục đá, khai thác bừa bãi mà không bận tâm đến việc khai thác như vậy sẽ làm tăng nguy cơ sạt lở đất đá. Hiện nay quanh khu vực mỏ đá và hai bên đường vào thôn 7 xuất hiện những đống đá đã được khai thác, chất thành dãy dài, gây trở ngại cho việc đi lại của người dân…

Ông Nguyễn Văn Quá (47 tuổi, thôn 7, xã Krông Buk) và con trai đang đục đá tại khu vực mỏ đá cho biết: “Mỗi ngày tôi và con trai đục được gần 2 khối đá các loại, để thành đống. Khi nào nhiều sẽ kêu xe ô tô tải hoặc công nông đến chở đi…”. Khi được hỏi khai thác đá thế này không sợ bị Công ty quản lý phát hiện sao, ông không ngần ngại trả lời: “Cũng chỉ vì miếng ăn mà gia đình tôi mới phải làm công việc này. Không chỉ có gia đình tôi khai thác đá ở đây mà còn nhiều gia đình khác nữa; cứ nhìn mấy đống đá ngoài kia sẽ rõ!...”.

Ông Nguyễn Văn Dung bảo vệ, quản lý mỏ đá Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ 26 nhận xét: “Mỏ đá ngừng hoạt động, cuộc sống người dân khó khăn nên Công ty không cấm người dân tự do khai thác đá thủ công kiếm thêm thu nhập. Bên cạnh đó, một số công nhân mỏ đá trước đây đã được chuyển qua làm đường cho các dự án của Công ty…”.

Ông Trần Thỏa Hợp, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Buk cho biết: “Chính quyền địa phương sẽ nhanh chóng xuống thực tế xác minh sự việc này; nếu có tình trạng khai thác đá thủ công tự do làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường sẽ có hướng giải quyết. Đồng thời xã sẽ vận động bà con tham gia chương trình xóa đói giảm nghèo của xã để ổn định cuộc sống”.

Đăng Quang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.