Cấn điều chỉnh hợp lý cách thu lãi vốn tín dụng cho học sinh, sinh viên
Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, sau 5 năm thực hiện Quyết định 157, đã có hơn 3 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để đi học; đến nay còn gần 1,8 triệu hộ đang vay vốn cho trên 2,1 triệu học sinh, sinh viên với tổng số vốn khoảng 36.000 tỷ đồng. Nhờ vậy mà nhiều sinh viên nghèo đã có cơ hội được ngồi trên ghế giảng đường theo đuổi ước mơ của mình. Tuy nhiên, tại khoản 2 điều 9 quy định: đối tượng được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay sau khi học sinh, sinh viên có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày học sinh, sinh viên kết thúc khóa học. Như vậy, trong suốt 5 năm dù sinh viên ra trường có việc làm hay chưa có việc làm phải trả lãi và số tiền gốc theo hợp đồng với Ngân hàng Chính sách xã hội. Đây chính là điều khiến cho nhiều gia đình nghèo lúc vay thì phấn khởi nhưng khi nhận giấy thông báo trả nợ đã rơi vào tình cảnh “méo mặt”.
Bà Nguyễn Thị Anh Trâm (thôn 7, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông), vay vốn lần lượt cho 4 con học đại học từ năm 2007 đến nay với số tiền gốc lên đến 89.000.000 đồng (trong đó người thứ ba chỉ được vay 5 kỳ và người thứ tư được vay 3 kỳ). Theo thông báo thì chỉ tính riêng số tiền lãi từ ngày vay đến nay là trên 20 triệu đồng. Bà tâm sự: “Nhờ được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay tín dụng sinh viên mà mấy đứa con của tôi được học đến nơi, đến chốn. Gia đình tôi rất biết ơn Nhà nước. Tuy nhiên, trong số 2 đứa con ra trường thì mới có 1 đứa có việc làm. Khi nhận thông báo với số tiền lãi quá lớn giờ gia đình tôi cũng chẳng biết xoay xở ra sao. Gần 2 năm nay gia đình tôi không được vay vốn tiếp vì nợ quá hạn…”. Tương tự, bà Đậu Thị Đoàn (thôn 6, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) vay vốn tín dụng sinh viên với số tiền gốc 47.000.000 đồng (trong đó quá hạn 12 triệu đồng), vì người con ra trường mới nhận công tác chưa đầy một tháng nên số tiền lãi hàng chục triệu đồng gia đình bà chưa trả được; do vậy bà cũng đành ngậm ngùi chịu nợ quá hạn.
Thiết nghĩ, đây là một chính sách an sinh xã hội đầy tính nhân văn được nhân dân đồng thuận. Tuy nhiên với cách tính thời gian thu gốc và lãi như hiện tại vẫn có điểm chưa hợp lý; hơn nữa trong thực tế, không phải sinh viên nào ra trường cũng đều có việc làm ngay. Để phát huy tính ưu việt của vốn tín dụng sinh viên, Ngân hàng Chính sách xã hội có thể áp dụng phương thức thu lãi hằng tháng thay vì thu lãi gộp, để gia đình sinh viên nghèo giảm bớt gánh nặng. Đối với những sinh viên ra trường có việc làm ổn định, Ngân hàng Chính sách xã hội nên thực hiện cách thu như đối với hình thức vay tiêu dùng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thu 60% lương hằng tháng). Bên cạnh đó, nên có thời gian ân hạn đối với những sinh viên ra trường chưa có việc làm mà bản thân gia đình họ đặc biệt khó khăn chưa thể thực hiện trả nợ theo hợp đồng (tất nhiên việc xét ân hạn phải được tiến hành chặt chẽ). Có như vậy thì nguồn vốn tín dụng cho học sinh, sinh viên mới thực sự giúp cho những sinh viên nghèo yên tâm trên con đường chinh phục tri thức.
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc