Multimedia Đọc Báo in

Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Ea Kar không giải quyết đơn khiếu nại của công dân do đã hết thời hiệu khiếu nại

08:55, 25/04/2014

Báo Dak Lak nhận được Đơn kêu cứu khẩn cấp của chị em bà Giáp Lê Thị Thùy và Giáp Lê Thị Thùy Trang, đều trú ở khối 3B thị trấn Ea Kar (huyện Ea Kar).  Nội dung đơn cho rằng toàn bộ tài sản của gia đình bà đã bị Chi cục Thi hành án Dân sự (THADS) huyện Ea Kar ủy quyền cho Công ty Cổ phần dịch vụ Đấu giá Trung Nam bán đấu giá trái pháp luật. Bởi đây là tài sản chưa hợp pháp, chưa hợp lệ và đang có tranh chấp. Ngoài ra, việc xác định tài sản đấu giá cũng không được chấp hành viên Nguyễn Văn Định và Chi cục THADS huyện Ea Kar xem xét đến sự đóng góp của chị em bà Thùy và Trang trong toàn bộ tài sản mà những thành viên trong gia đình tạo dựng được… Báo Dak Lak đã có công văn chuyển nội dung đơn này đến Cục THADS tỉnh để xem xét giải quyết.

Mới đây, Cục THADS tỉnh đã có công văn số 308/CTHADS-GQKN,TC trả lời như sau: Nội dung đơn khiếu nại của bà Giáp Lê Thị Thùy và bà Giáp Lê Thị Thùy Trang trùng với nội dung đơn khiếu nại đã được Cục THADS tỉnh có phiếu chuyển đơn số 641/PC-CTHADS ngày 25-12-2013 chuyển đến Chi cục THADS huyện Ea Kar giải quyết theo thẩm quyền. Sau đó, Chi cục THADS huyện Ea Kar đã có thông báo số 03/TB-CCTHADS ngày 2-1-2014 không thụ lý đơn khiếu nại của bà Giáp Lê Thị Thùy và Giáp Lê Thị Thùy Trang. Nội dung thông báo thể hiện:

Tại biên bản xác minh ngày 17-5-2011 (bút lục số 18), ông Y Bluh Niê trú buôn Mrông C, thị trấn Ea Kar trình bày: Nguồn gốc quyền sử dụng đất tại thửa 41, tờ bản đồ số 4, diện tích 388,7m2 hiện nay ông Giáp Văn Dân và bà Lê Thị Nghĩa đang sử dụng (tài sản phải thi hành án theo như đơn của bà Thùy và bà Trang – PV) có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mang tên ông Y Bluh. Ông Y Bluh đã bán cho ông Phạm Quốc Huy và bà Bùi Thị Chiên. Sau đó ông Huy và bà Chiên sang nhượng lại cho vợ chồng ông Dân, bà Nghĩa. Qua biên bản giải quyết việc thi hành án ngày 12-6-2011 (bút lục số 30) đối với bà Bùi Thị Chiên là người sang nhượng đất cho ông Dân và bà Nghĩa thì mặc dù việc sang nhượng đất này chưa làm thủ tục cấp GCNQSDĐ cho ông Giáp Văn Dân và bà Lê Thị Nghĩa, nhưng việc mua bán, sang nhượng trên không có tranh chấp. Căn cứ khoản 2 Điều 110 Luật Thi hành án Dân sự năm 2008 quy định: “Người phải thi hành án chưa được cấp GCNQSDĐ mà thuộc trường hợp được cấp GCNQSDĐ theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc thuộc diện quy hoạch phải thu hồi đất, nhưng chưa có quyết định thu hồi đất thì vẫn được kê biên, xử lý quyền sử dụng đất đó”. Vì vậy, Chi cục THADS huyện Ea Kar kê biên tài sản là đúng theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào hồ sơ thi hành án và biên bản giải quyết việc thi hành án ngày 12-6-2011 (bút lục số 30) đối với bà Bùi Thị Chiên là người sang nhượng đất cho ông Giáp Văn Dân và bà Lê Thị Nghĩa, không nói là sang nhượng đất cho hộ gia đình ông Giáp Văn Dân và bà Lê Thị Nghĩa, cho nên không xác định đó là tài sản của hộ gia đình mà là tài sản của ông Dân và bà Nghĩa nhận sang nhượng từ bà Bùi Thị Chiên. Do đó, Chi cục THADS Ea Kar không xem xét xác định tài sản của các thành viên trong gia đình và sự đóng góp của những thành viên trong gia đình.

Căn cứ điểm c, khoản 2, Điều 140 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 Quyền khiếu nại về thi hành án quy định: “Đối với quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp cưỡng chế là 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó”; căn cứ điểm d, khoản 2, Điều 141 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định: “Đối với quyết định hành vi sau khi áp dụng biện pháp cưỡng chế là 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó”. Như vậy, căn cứ vào khoản 4, Điều 141 quy định những trường hợp khiếu nại không được thụ lý giải quyết của Luật Thi hành án Dân sự năm 2008, vì thời hiệu khiếu nại đã hết nên Chi cục THADS huyện Ea Kar thông báo không thụ lý đơn khiếu nại của bà Giáp Lê Thị Thùy và Giáp Lê Thị Thùy Trang.

Tổ Bạn đọc 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.