Multimedia Đọc Báo in

Xe quá tải phá nát cầu dân sinh

11:18, 10/04/2015
Hàng trăm hộ dân tại 2 xã Ea Kuăng và Vụ Bổn (huyện Krông Pak) đang rất bức xúc khi cây cầu bắc qua suối Nước Đục phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất hằng ngày của người dân nơi đây đang bị tàn phá do các xe chở quá tải nối đuôi nhau, né tránh lực lượng chức năng chạy qua đây, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân. Mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng các cơ quan chức năng nơi đây vẫn chưa tìm ra phương án hữu hiệu để hạn chế tình trạng này.
Cầu tạm suối Nước Đục phải gồng mình khi hằng ngày  có hàng chục chiếc xe quá tải chạy qua.
Cầu tạm suối Nước Đục phải gồng mình khi hằng ngày có hàng chục chiếc xe quá tải chạy qua.

Cầu tạm suối Nước Đục nối 2 xã Ea Kuăng và Vụ Bổn là cây cầu dân sinh được xây dựng vào tháng 7-2007, với chiều dài 24 m (gồm 2 nhịp), rộng 6 m, được cố định bởi 5 dằm sắt, mặt cầu lót ván, với tổng mức phê duyệt hơn 760 triệu đồng. Theo thiết kế, cây cầu chỉ có trọng tải 5 tấn, thế nhưng nhiều năm qua hàng trăm chuyến xe quá tải chở từ 10 đến 15 tấn vẫn “băng băng” qua cầu khiến cho ván lót sàn bị cày nát, xuống cấp nghiêm trọng. Ông Đồng Văn Cẩm (một người dân xã Vụ Bổn) bức xúc: “Xe quá tải cứ xếp hàng chạy qua rầm rầm, còn người dân chúng tôi mỗi lần muốn qua cầu vừa đi, vừa dò đường vì mặt cầu bong tróc, ván gãy để lại các lỗ hổng rất nguy hiểm. Trẻ con đi học về phải có người lớn dắt qua không thì không dám đi”. Theo phản ánh của một số hộ dân nơi đây thì nhiều xe chở cát, gạch thường chọn tuyến đường này để đi bởi đây là tuyến đường tắt nên sẽ tiết kiệm được quãng đường khoảng 11 km thay vì đi đường vòng và có chở quá tải thì cũng tránh được lực lượng Cảnh sát giao thông xử phạt. Các xe quá tải chạy bất kể ngày đêm khiến cho cây cầu luôn nằm trong tình trạng quá tải, xuống cấp nhanh chóng và nguy hiểm luôn rình rập người dân nơi đây.

Người dân huyện Krông Pak phải hỗ trợ nhau mỗi khi qua cầu.
Người dân huyện Krông Pak phải hỗ trợ nhau mỗi khi qua cầu.

Không chỉ phá cầu dân sinh mà xe quá tải còn phá nát nhiều đoạn đường gây khó khăn việc đi lại cho nhiều người dân trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Khoảng (xã Ea Kuăng) chia sẻ: “Con đường nối hai xã Ea Kuăng và Vụ Bổn dài khoảng 17 km, thế nhưng do xe quá tải liên tục chạy qua khiến cho giờ mặt đường bong tróc, lởm chởm sỏi đá, có những đoạn hiện đã xuất hiện các “ổ trâu”, “ổ voi”... Ngày nắng thì bụi mù mịt còn ngày mưa thì lầy lội đi không nổi. Chúng tôi đã kiến nghị trong các buổi tiếp xúc cử tri nhưng đến nay tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn”. Ông Lê Viết Nhựng, Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn cho biết: “Hiện trên địa bàn xã có 4 bến cát, 15 lò gạch, một ngày có đến hàng chục xe tải chở vật liệu xây dựng đi qua cầu này. Cầu hư, đường hỏng, chúng tôi chỉ biết xin UBND huyện và tự bỏ kinh phí xã ra sửa chữa. Trước Tết âm lịch 2015, xã đã mua 5 m3 gỗ để làm lại mặt cầu, với kinh phí khoảng 20 triệu đồng. Tuy nhiên, mặt cầu mới sửa được mấy tháng thì lại hỏng, chúng tôi đang kiến nghị lên cấp trên để có biện pháp hạn chế tình trạng này”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Tấn Bảy, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng kiêm Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT huyện Krông Pak cho biết: “Sau khi nghe người dân kiến nghị, UBND huyện đã cử đoàn cán bộ xuống địa bàn để nắm bắt phản ánh của người dân, đồng thời kiểm tra thực trạng cây cầu và đã có văn bản tham mưu UBND huyện hỗ trợ kinh phí 600 triệu đồng thay thế mặt ván gỗ bằng mặt thép để phục vụ việc đi lại của bà con. Dự kiến trong thời gian tháng 4 hoặc tháng 5-2015, mặt cầu bằng gỗ sẽ được thay thế bằng thép. Với thiết kế trọng tải cho phép 5 tấn thì cầu sẽ có tuổi thọ 5 năm và sau 5 năm thì có thể tận dụng lại mặt thép này cho cầu dân sinh khác nhỏ hơn, còn với cầu ván gỗ hiện nay thì mỗi lần đầu tư mua gỗ hết khoảng 200 triệu, nhưng tuổi thọ được 2 năm. Trước mắt, UBND huyện mới đưa ra giải pháp sửa chữa cầu tạm này, còn với việc xử lý xe quá tải chạy qua cầu thì chưa có giải pháp khả thi nào được đưa ra, huyện mới chỉ gửi công văn chỉ đạo các xã tăng cường công tác quản lý. Tuy nhiên, do lực lượng hạn chế, xe quá tải thường xuyên đi qua cầu cả đêm khuya nên công tác quản lý ở cơ sở còn nhiều bất cập”.

Việc Nhà nước đầu tư cầu, đường chủ yếu để phục vụ nhu cầu của người dân, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thế nhưng những chiếc xe quá tải trọng vì lợi ích riêng mà chạy ẩu phá cầu, đường dân sinh, gây ảnh hưởng đến tính mạng, cuộc sống nhân dân thì cần phải được xử lý nghiêm minh. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Krông Pak cần phải có chế tài, biện pháp mạnh để xử lý dứt điểm tình trạng này.

 Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.